Ngày 09/10, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẻ” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo do ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và ông Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh chủ trì. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia là đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giảng viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, công ty luật, văn phòng luật sư, và một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang ứng dụng nền tảng công nghệ theo mô hình kinh tế chia sẻ như GoJek, Luxstay, Interloan... Hội thảo cũng thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cho các Sở, ban ngành liên quan, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, đại diện một số cơ sở giảng dạy, cơ sở nghiên cứu, các công ty luật, các doanh nghiệp... trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có các bài tham luận đưa ra các quan điểm về bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ, thực trạng pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ và các tác động (tích cực, tiêu cực) của mô hình kinh doanh này đối với nền kinh tế, vấn đề an sinh xã hội, việc làm...và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) hay kinh tế ngang bằng (peer-to-peer economy) hay tiêu dùng cộng tác (collaborative consumption), mặc dù có nhiều cách hiểu và tên gọi khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự hợp tác, chia sẻ để phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn lực dư thừa. Hiện nay, khung pháp lý điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta còn có một số vướng mắc, bất cập như quy định đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh tế chia sẻ; quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ; quy định bảo vệ người lao động, người tiêu dùng; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp nền tảng... Pháp luật nước ta mới chỉ có quy định điều chỉnh chung mang tính chất nguyên tắc về giao dịch, hợp đồng, tài sản và quyền sở hữu tại Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật Giao dịch điện tử…và điều chỉnh riêng lẻ cho từng ngành, lĩnh vực như quy định về thương mại điện tử; quy định điều chỉnh hoạt động cung cấp các dịch vụ cụ thể như dịch vụ vận tải bằng ô tô hoặc lưu trú ngắn ngày...mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng, phù hợp với đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đặt ra một số vấn đề đang rất được quan tâm như: (1) vấn đề cạnh tranh giữa mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh tế chia sẻ; (2) pháp luật về thuế đối với kinh tế chia sẻ ở Việt Nam trong một số lĩnh vực trọng điểm như hoạt động kinh doanh taxi, dịch vụ chia sẻ phòng, hoạt động bán hàng thông qua các website thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới; (3) pháp luật về lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ; (4) việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng nền tảng trong mô hình kinh tế chia sẻ... Các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, đưa ra các quan điểm về mô hình kinh tế chia sẻ và thực trạng pháp luật đối với mô hình kinh doanh này, đồng thời nêu lên một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn khi ứng dụng mô hình này vào đời sống và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Lưu Bảo Phượng - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế