Toạ đàm chuyên đề: "Kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp về tổ chức, hoạt động nghề thừa phát lại và vấn đề xã hội hoá thi hành án ở Việt Nam"

19/12/2007
Nhằm từng bước triển khai chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực tư pháp nói chung, xã hội hoá công tác thi hành án dân sự nói riêng theo tinh thần của Nghị quyết 49/NQ-TW , trong hai ngày 13 và 14/12/2007, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra toạ đàm với chuyên đề: "Kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp về tổ chức, hoạt động nghề thừa phát lại và vấn đề xã hội hoá thi hành án ở Việt Nam".

Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Nhà Pháp luật Việt - Pháp; Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh; ông Patrice Nocquet - nguyên Chủ tịch Hội đồng Thừa phát lại Paris - Pháp cùng hơn 50 đại biểu là Chấp hành viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh thành phía Nam và đại biểu đến từ Lào, Campuchia.

Buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề chủ yếu về giới thiệu một số nội dung của Đề án nghiên cứu về xã hội hóa thi hành án tại thành phố Hồ Chí Minh; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 và vấn đề xã hội hóa thi hành án - thực trạng và định hướng; kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, hoạt động nghề thừa phát lại theo quy chế hành nghề tự do - những ưu điểm và hạn chế; mô hình tổ chức thừa phát lại theo quy chế hành nghề tự do ở Cộng hòa Pháp…

Các đại biểu tham gia tọa đàm đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu về cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như sự cần thiết và lợi ích, ý nghĩa của  hoạt động thừa phát lại tại nước ta trong giai đoạn hiện nay. Buổi toạ đàm tập trung đóng góp ý kiến về những ưu điểm và hạn chế của mô hình tổ chức thừa phát lại theo hai phương án, đó là:

Phương án 1: Tổ chức thừa phát lại sẽ đảm nhiệm hầu như toàn bộ quá trình thi hành án từ việc ra quyết định thi hành, tống đạt, xác minh tài sản, kê biên cho đến định giá tài sản… theo phương án này thì lực lượng chủ chốt thi hành án sẽ là tổ chức thừa phát lại; cơ quan thi hành án của Nhà nước vẫn tồn tại nhưng chỉ đảm nhiệm một lượng việc thi hành án không nhiều.

Phương án 2: Tổ chức thừa phát lại sẽ đảm nhiệm một số hoạt động thi hành án gồm: tống đạt các văn bản, giấy tờ thi hành án như quyết định thi hành án, giấy báo, giấy mời, thông báo liên quan đến việc thi hành án; xác minh tài sản để thi hành án.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện từng bước chủ trương xã hội hóa xác lĩnh vực tư pháp, hy vọng rằng chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực thi hành án sẽ sớm được triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế góp phần giải quyết tình trạng án dân sự tồn đọng hiện nay, qua đó bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong quan hệ thi hành án.

N.V.N