Tập huấn về nghiệp vụ thi hành án dân sự do Dự án JICA hỗ trợ

19/12/2007
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục thi hành án dân sự tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ về thi hành án dân sự cho cán bộ làm công tác thi hành án.

Tham dự Lớp tập huấn là các  Trưởng, Phó Trưởng thi hành án và  các Chấp hành viên có kinh nghiệm từ các tỉnh Đông, Tây Nam bộ như  Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Về phía dự án JICA, Nhật Bản có ông Ito, Cố vấn trưởng Dự án, chuyên gia; về phía Vụ Hợp tác Quốc tế có bà Đinh Thị Bích Ngọc, Quản đốc Dự án, chủ trì tổ chức; về phía Cục thi hành án dân sự có bà Lê Thị Kim Dung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ II, chủ trì nội dung và ông Lê Xuân Hồng, ông Lê Tuấn Sơn, chuyên viên Cục thi hành án dân sự.

Lớp tập huấn có mục đích giới thiệu, trao đổi, thảo luận về một số nội dung  về nghiệp vụ thi hành án dân sự phần thủ tục và cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án với một cách tiếp cận mới. Nếu như Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành quy định sáu biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm biện pháp khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; phong toả tài khoản;, tài sản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước và kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất, hoặc giao vật, tài sản khác, cấm hoặc buộc người phải thi hành án phải thực hiện hành vi nhất định, thì nội dung của Lớp tập huấn đã nhìn nhận các biện pháp cưỡng chế trên từ góc độ khác, từ bản chất nghĩa vụ của người phải thi hành án,  đó là thi hành các khoản về tiền và thi hành các khoản không phải là tiền.

Qua hai ngày làm việc, Các Chấp hành viên đã nghe giới thiệu vắn tắt năm chuyên đề trên cơ sở tài liệu đã được chuẩn bị trước và phát tới Chấp hành viên tại Lớp Tập huấn. Với chuyên đề mở đầu là " Một số vấn đề về thi hành án về tiền", chuyên đề này tập trung vào bốn biện pháp cưỡng chế mà Điều 37 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định có mục đích thu tiền hoặc bán tài sản để thu tiền nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ về thanh toán ( trả nợ, tiền phạt, bồi thường, cấp dưỡng, án phí....) của người phải thi hành án, bao gồm biện pháp khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; phong toả tài khoản;, tài sản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước và kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ.  Đi sâu hơn nữa vào đặc thù của đối tượng tài sản của người phải thi hành án có thể bị xử lý để đảm bảo thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền, các Chấp hành viên đã được giới thiệu chuyên đề " Một số vấn đề về thi hành án đối với bất động sản" và " Một số vấn đề về thi hành án đối với động sản". 

Với phương thức cứ sau mỗi chuyên đề giới thiệu những nội dung cơ bản, Lớp tập huấn dành tối đa thời gian để thảo luận, các Chấp hành viên đã rất sôi nổi trao đổi những vấn đề bất cập về pháp luật cũng như vướng mắc về thực tiễn áp dụng  tại địa phương mình. Rất tâm huyết với nghề, Chấp hành viên Thi hành án dân sự tỉnh  và các huyện của Đồng Nai đã nêu bật những khó khăn trong việc tổ chức thi hành án về tiền, đó là khó khăn trong việc xác minh  và xác định tài sản của người phải thi hành án, ví dụ, việc mở tài khoản quá dễ nên doanh nghiệp có thể mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, thậm chí ngân hàng còn thông đồng với người phải thi hành án để rút tiền từ tài khoản đã được chấp hành viên xác minh để chuyển tiền vào tài khoản khác..., chưa quản lý được tài sản thông qua cơ sở dữ liệu thống nhất , việc đăng ký , làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cũng chưa phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn; sự tham gia của các ngành chức năng trong việc tổ chức định giá tài sản thi hành án như những thành phần bắt buộc chưa đạt hiệu quả do các ngành vốn dĩ đã quá tải công việc chuyên môn, việc quy định thành phần kê biên quyền sử dụng đất có đến 8 thành phần là không cần thiết, việc không niêm phong tài sản sau khi kê biên làm hạn chế khả năng bán tài sản; việc Điều 41 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định về quyền khởi kiện của Chấp hành viên và người được thi hành án nhưng Toà án lại không thụ lý giải quyết do Bộ luật tố tụng dân sự không quy định là không khả thi; chưa có quy định để xử lý những trường hợp có việc biến động về giá tài sản ở thời điểm thi hành án so với thời điểm xét xử; việc xử phạt hành chính đối với đương sự cũng chưa khả thi...Đồng tình với ý kiến trên, Chấp hành viên thành phố Hồ Chí Minh cũng trăn trở việc quy định của pháp luật về Hội đồng định giá là chưa phù hợp, kiến nghị nên chăng nghiên cứu sửa đổi theo hướng Chấp hành viên yêu cầu người có chuyên môn thẩm định giá, việc quy định tài sản đã định giá mà không bán được thì phải tiến hành định giá lại theo hướng giảm giá mặt khác lại quy định việc định giá đất không được thấp hơn giá thị trường, nên trong trường hợp phải giảm giá do đất không bán được nhưng giá đất lại tăng thì giải quyết thế nào; mặt khác, đã quy định là giảm giá, mỗi lần giảm không quá 10% thì không nhất thiết phải thành lập Hội đồng định giá, mà chỉ cần Chấp hành viên căn cứ quy định về tỷ lệ giảm giá để thông báo về giá đã giảm là vừa nhanh gọn, đỡ tốn kém, kéo dài việc thi hành án; việc quy định khiếu nại về giá đất đã định trong thời hạn bảy ngày là quá ngắn, hình thức giải quyết khiếu nại như thế nào không được quy định rõ. Tiếp tục trao đổi về vấn đề định giá, đại diện Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang nêu bật một vấn đề vướng mắc mà nhiều địa phương đang gặp phải, mỗi người hiểu một kiểu, đó là vấn đề xác định thế nào là giá thị trường để xác định giá khởi điểm tài sản đã kê biên, hoặc băn khoăn trong việc trường hợp tài sản không bán được mà người được thi hành án không nhận thì thì có giải toả không, giải toả rồi có được kê biên ngay không ? diện tích đất để lại cho hộ gia đình thì xác định theo tiêu chí hộ khẩu hay như thế nào?. Về vấn đề xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, Phó Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau cũng nêu những khó khăn tại địa phương mình như vấn đề xử lý quyền sử dụng đất trong trường hợp đất cấp cho lâm trường  và lâm trường khoán lại cho dân  trồng cây lâm nghiệp; xử lý đất trong trường hợp nhà của người phải thi hành án nằm ven sông, ven lộ nên không được cấp giấy chứng nhận mặc dù có giá trị rất lớn. Chia sẻ quan điểm với đại diện Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau, về vấn đề người phải thi hành án tái chiếm tài sản đã cưỡng chế giao cho người được thi hành án hoặc người mua được tài sản đấu giá, đại diện Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng cần làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan thi hành án hay của Uỷ ban nhân dân cấp nào hoặc cơ quan có thẩm quyền nào để giải quyết thoả đáng quyền lợi của các bên đương sự.  Liên quan đến thời hiệu yêu cầu thi hành án,  đại diện Thi hành án tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị làm rõ thời hiệu ba năm do Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định có áp dụng cho người phải thi hành án có bản án phải thi hành theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 không khi mà đến 01.7.2004 người được thi hành án cũng đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Là người tham gia tích cực nhất, đại diện Thi hành án dân sự tỉnh An Giang  đã có nhiều ý kiến rất sát thực và tâm huyết, trong đó có đề cập đến tình trạng không chấp hành án của người phải thi hành án, kiến nghị Cục thi hành án dân sự cần sát sao với tình hình xử lý các hành vi vi phạm trên của người phải thi hành án, kiến nghị Cục cần hướng dẫn địa phương về việc lập hồ sơ để nghị xử lý hình sự đối với ngươi phải thi hành án; và kiến nghị hướng dẫn những trường hợp nào thì cần có ý kiến của Ban Chỉ đạo thi hành án để việc tổ chức thi hành án được đúng pháp luật. Trăn trở của Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương là thủ tục thông báo về thi hành án hiện hành còn quá rườm rà, mất nhiều thời gian của Chấp hành viên, nhất là ở những địa bàn mà số lượng án quá lớn; để xác định điều kiện thi hành án của đương sự, cần cho phép Chấp hành viên được kê biên, xử lý đối với tài sản được coi tài sản là của người phải thi hành án, nêu có tranh chấp thì khởi kiện xử lý sau; về thứ tự kê biên tài sản thì không nhất thiết phải kê biên hết động sản không đủ mới kê biên bất động sản mà cần quy định theo hướng, nếu tính toán mà tài sản là động sản không đủ để thi hành án là có thể kê biên, xử lý bất động sản và xử lý tài sản nào thuận tiện cho việc thi hành án thì được quyết định; việc kê biên nhà và tiến hành niêm phong sẽ có tác dụng thúc đẩy người phải thi hành án tự nguyện nộp tiền để thi hành án nếu không cũng thuận tiện cho việc xử lý tài sản về sau; việc giảm giá không cần thiết phải thông qua Hội đồng định giá và tỷ lệ giảm 10% mỗi lần là còn thấp cần tăng lên đến 20%; việc trả lại tài sản cho người phải thi hành án do tài sản không bán được mà không có tài sản khác nên chăng cần xem xét lại theo hướng bán đến cùng; việc chuyển giao vật chứng, tài sản giữa cơ quan công an, kiểm sát và cơ quan thi hành án còn có bất cập về thời điểm giao nhận;  bất cập trong quy định về thu phí, miễn giảm phí thi hành án, kế thừa nghĩa vụ của người phải thi hành án đã chết.. Nhìn từ việc giải quyết khiếu nại của đương sự về bản án được đưa ra thi hành, Chấp hành viên Thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu cũng trăn trở về thời hạn Toà án các cấp trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án và giá trị của các văn bản giải thích của Toà án đối với hoạt động thi hành án dân sự. Chấp hành viên tỉnh Bình Phước, Kiên Giang, Long an cũng chia sẻ  quan điểm với nhiều nội dung trên đây.  Một số đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường biên chế, tăng số lượng Chấp hành viên, và đặc biệt nhấn mạnh là cần tăng thêm số lượng cán bộ giúp việc cho mỗi Chấp hành viên, đặc biệt là những địa phương có nhiều vụ việc phải thi hành hoặc thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh việc giới thiệu và thảo luận về những bất cập liên quan đến chuyên đề về "Một số vấn đề về thi hành án đối với các khoản không phải là tiền", tức các biện pháp về cưỡng chế thực hiện hành vi nhất định như trả vật, trả nhà, trả quyền sử dụng đất, giao con cho nguời nuôi dưỡng, trả giấy tờ …và cấm không được thực hiện hành vi nhất định như cấm không được xây dựng trên diện tích sử dụng chung, cấm cản trở việc sử dụng công trình phụ chung…, được quy định tại Khoản 5,6 Điều 37, Điều 53, Điều 54, Điều 55 và Điều 56  Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, các Chấp hành viên cũng đã được giới thiệu sơ lược về  tổ chức Thừa phát lại. Đây là một vấn đề mới đang được Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng dưới hình thức Đề án tổ chức thí điểm Thừa phát lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2008 để triển khai thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết một phần những vướng mắc trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự hiện nay.

Đánh giá rất cao sự nghiêm túc, ham học hỏi, thân thiện, nhiệt tình của Chấp hành viên Việt Nam, ông Ito, Cố vấn trưởng Dự án, chuyên gia, cũng đã trao đổi một số vấn đề của Việt Nam nhìn từ góc độ của Nhật Bản: đó là các vấn đề về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, theo đó, khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật về thi hành án dân sự của Nhật Bản quy định người được thi hành án, chứ không phải Chấp hành viên, là người phải chịu trách nhiệm trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; khi yêu cầu thi hành án thì người được thi hành án phải chỉ rõ tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Về vấn đề tự nguyện thi hành án, ông Ito cho biết, pháp luật Nhật Bản chỉ quy định về cưỡng chế thi hành án, mà không quy định về tự nguyện thi hành án, và ông cũng khuyến nghị, để người phải thi hành án tự nguyện thi hành thì cần có chế tài đối với hành vi không tự nguyện thi hành án, cần tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành pháp luật và quan trọng hơn, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm  pháp luật để làm gương cho nhân dân thực hiện theo; chuyên gia cũng nhấn mạnh về vị trí của Chấp hành viên, về vai trò của Luật sư, Toà án Nhật Bản trong hoạt động thi hành án dân sự.

Cách thức tổ chức Lớp Tập huấn nói chung cũng như những ý kiến trao đổi của các Chấp hành viên và ý kiến của chuyên gia nói riêng đã cung cấp thêm những kiến thức bổ ích cho Chấp hành viên, và theo đánh giá của các Chấp hành viên thì có nhiều những quy định của pháp luật về thi hành án của Nhật Bản là rất hữu hiệu, "rất hay", cũng như những bất cập của pháp luật hiện hành đã được thảo luận tại Lớp Tập huấn cần được Bộ Tư pháp nghiên cứu  thấu đáo để giải quyết tại dự án Luật thi hành án dân sự đã được đưa vào Chương trình chính thức của năm 2008 thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội  Khoá XII./.

Kim Dung