Hội thảo "Các giải pháp giải quyết án tồn đọng"

18/12/2007
Để tìm ra giải pháp cho bài toán "án dân sự tồn đọng" trong giai đoạn hiện nay, vừa qua ngày 15/12/2007 tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Hội thảo "Các giải pháp giải quyết án tồn đọng".

Tham gia Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, các Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Lê Thị Thu Ba - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các đại biểu đến từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng… và đặc biệt là các đại biểu đến từ các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Theo số liệu thống kê tính đến năm 2007, các cơ quan thi hành án trong cả nước phải tổ chức thi hành 606.660 việc, tăng 32.522 việc so với năm 2006. Trong số án phải thi hành có 208.155 việc chưa có điều kiện thi hành. Đáng chú ý là số việc không thi hành được chuyển từ năm trước sang năm sau đang có xu hướng gia tăng. Nếu số vụ việc từ năm 2004 chuyển sang năm 2005 là 327.157 việc, chiếm 61,3% trong tổng số 533.334 việc phải thi hành thì đến năm 2006, án tồng chuyển sang năm 2007 đã tăng gần 100 ngàn việc nữa.

Giải pháp nào cho tình trạng án dân sự tồn đọng đang có xu hướng gia tăng đang là bài toán lớn đặt ra cho các cấp bộ, ngành? Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất giải quyết tình trạng án dân sự tồn đọng trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu tham gia Hội thảo đã đóng góp nhiều chuyên đề chuyên sâu cũng như nhiều ý kiến quý báu như: một số vấn đề về quan niệm, nguyên nhân án tồn đọng và giải pháp; giải quyết án tồn đọng - thực trạng, bài học kinh nghiệm và giải pháp; cơ chế phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự và việc giải quyết án dân sự tồn đọng; cơ chế kiểm tra án dân sự tồn đọng và việc giải quyết án dân sự tồn đọng; vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án đối với việc giải quyết án tồn đọng; thừa phát lại - giải pháp quan trọng trong việc khắc phục tình trạng án tồn đọng hiện nay…

Thông qua Hội thảo, bức tranh về án dân sự tồn đọng với tất cả các khía cạnh của nó từ thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục đã từng bước được làm sáng tỏ.

Hy vọng rằng, với những thành công của Hội thảo thì tình trạng án dân sự tồn đọng ở Việt Nam sẽ từng bước có những giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Thông qua giải quyết án dân sự tồn đọng sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ thi hành án, qua đó giữ gìn ổn định an ninh trật tự xã hội và đảm bảo giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta góp phần vào việc xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quang Minh