Ở Hoa Kỳ, sự xuất hiện của Uber khiến cho thị phần của các hãng taxi truyền thống sụt giảm mạnh. Trong khi đó, sự ra đời của Airbnb lại khiến lượng cung về phòng cho thuê tăng lên, tác động trực tiếp tới thị phần của các khách sạn truyền thống.
Tháng 6/2019, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.Tháng 11/2019, Đoàn công tác của Viện Khoa học pháp lý tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tại Hoa Kỳ về những vấn đề pháp lý đặt ra trong chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp về vấn đề này.
PV: Được biết ông vừa dẫn đầu Đoàn công tác của Viện Khoa học pháp lý thăm làm việc, nghiên cứu, khảo sát thực tế tại một số cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Hoa Kỳ. Đoàn tập trung làm việc về những nội dung gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cương: Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong các ngày từ 15 - 22/11/2019, Đoàn Công tác do Viện Khoa học pháp lý dẫn đầu có sự tham gia của các đơn vị khác như Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Học viện tư pháp đã tiến hành làm việc với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Hoa Kỳ.
Đoàn chúng tôi đã làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị của Hoa Kỳ như: Học viện Công nghệ Massachusettes; Khoa Luật Đại học Harvard; Khoa Luật Đại học Boston; Khoa Luật Đại học Fordham; Cơ quan nghiên cứu của Thư viện Quốc hội; Trung tâm tư pháp liên bang; Khoa Luật Đại học George Washington.
Các đối tác đã tập trung trao đổi về cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo luật với Đoàn cùng các vấn đề pháp lý phát sinh từ việc ứng dụng những công nghệ mới hiện nay, nhất là ứng dụng các nền tảng kết nối giữa thương nhân, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa người tiêu dùng với nhau; công nghệ trí tuệ nhân tạo; vấn đề xây dựng và triển khai các dự án về thành phố thông minh; vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân và tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân trong kỷ nguyên số.
PV: Hoa Kỳ có quan tâm tới các vấn đề pháp lý phát sinh từ việc ứng dụng những công nghệ mới hiện nay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cương: Tại Hoa Kỳ, chủ đề về sự xuất hiện công nghệ mới hoặc nâng cấp công nghệ làm thay đổi các hiện tượng kinh tế, xã hội, thay đổi lối sống, cách ứng xử của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền, thay đổi trật tự pháp lý hiện hành rất được quan tâm nghiên cứu.
Thời gian gần đây, việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, các công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết.
PV: Được biết là việc ứng dụng các thành tựu mới tạo nên nền kinh tế chia sẻ cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Hoa Kỳ?
Ông Nguyễn Văn Cương: Đúng là việc xuất hiện các phần mềm kết nối giữa bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng mà không cần các bên trung gian môi giới đang gây ra nhiều vấn đề tại Hoa Kỳ.
Trong số đó, phải kể tới sự xuất hiện của phần mềm kết nối giữa người lái xe ô tô với người có nhu cầu đi xe, vừa có tính cạnh tranh, vừa thay thế cho dịch vụ taxi truyền thống mà dịch vụ kết nối của công ty Uber là một điển hình.
Trong lĩnh vực khách sạn và nhà ở, sự xuất hiện phần mềm kết nối tương tự do công ty Airbnb thực hiện cũng tác động trực tiếp tới các phân khúc của thị trường lưu trú khách sạn cũng như thị trường căn hộ cho thuê.
PV: Ông có thể nói rõ hơn vấn đề pháp lý mà Hoa Kỳ đang gặp phải đối với Uber là gì không ạ?
Ông Nguyễn Văn Cương: Đối với dịch vụ của công ty Uber, việc ứng dụng dịch vụ này làm gia tăng số lượng người có xe ô tô và có thời gian rảnh để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách lên một cách nhanh chóng.
Cái lợi của sự gia tăng về phía cung dịch vụ này được lan tỏa và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng dịch vụ.
Tuy nhiên, hoạt động này tác động trực tiếp tới vị thế nghề nghiệp của các tài xế taxi truyền thống cũng như các hãng taxi truyền thống (vốn trước đây được kiểm soát rất chặt chẽ bởi chính quyền các thành phố và người muốn hành nghề phải đầu tư một khoản tiền ban đầu để nhận chuyển nhượng giấy phép hoạt động taxi có nơi lên tới hơn 1 triệu USD).
Thị phần của các hãng taxi truyền thống bị sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, sự gia tăng của người cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng phương tiện cá nhân làm gia tăng nhanh lưu lượng xe cá nhân vận chuyển trên đường gây ra tình trạng tắc đường.
Chính vì vậy, một số hãng taxi truyền thống đã lên tiếng phàn nàn và phản đối việc triển khai dịch vụ mới này. Các hãng taxi cũng phàn nàn về việc hãng taxi phải chịu quá nhiều ràng buộc pháp lý vốn đã được ban hành từ rất lâu trước thời điểm xuất hiện dịch vụ vận tải hành khách thông qua ô tô sử dụng phần mềm kết nối.
Hiện tại, chính quyền các thành phố đang rà soát lại các điều kiện kinh doanh taxi truyền thống và việc kiểm soát hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô sử dụng phần mềm kết nối để tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa taxi truyền thống và dịch vụ vận tải hành khách thông qua ô tô sử dụng phần mềm kết nối.
PV: Còn đối với Công ty Airbnb, việc ứng dụng phần mềm vào lĩnh vực khách sạn và nhà ở chắc phải đem lại nhiều thuận lợi cho người sử dụng, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cương: Đối với hoạt động của Công ty Airbnb, dịch vụ kinh tế chia sẻ có mặt lợi là giúp cho việc kết nối giữa người còn dư phòng không sử dụng với các du khách có nhu cầu thuê phòng ngắn hạn khi đi du lịch với mức giá phải chăng.
Tuy nhiên, với phần mềm kết nối của Airbnb, lượng cung về phòng cho thuê được tăng lên, tác động trực tiếp tới thị phần của các khách sạn truyền thống. Thêm vào đó, việc đưa phòng dư thừa của các hộ dân và các căn hộ tham gia dịch vụ Airbnb lại làm giảm lượng cung căn hộ và phòng cho thuê dành cho những người có nhu cầu thuê dài hạn để làm chỗ ở cho việc sinh hoạt, học tập và làm việc tại các thành phố lớn. Điều đó làm cho giá sinh hoạt của các thành phố lớn tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực tới tầng lớp trẻ đang theo học hoặc mới ra trường, đang có nhu cầu thuê phòng trọ để sinh sống, học tập và làm việc.
Do vậy, chính quyền một số bang và thành phố ở Hoa Kỳ, chẳng hạn tại thành phố Boston từ tháng 12/2019, đang cân nhắc việc áp đặt một số kiểm soát đối với việc đưa các phòng ở dư thừa của hộ gia đình và các căn hộ cho thuê vào hệ thống Airbnb. Chính quyền thành phố Boston đang cân nhắc đặt ra các điều kiện chẳng hạn như người đi thuê căn hộ thì không được sử dụng căn hộ để cho thuê lại thông qua dịch vụ Airbnb hoặc người sở hữu căn hộ thì chỉ được đưa căn hộ của mình cho thuê theo dịch vụ Airbnb không quá một số tháng/năm. Trước đó, vào tháng 12/2018, chính quyền bang Massachusetts (nơi Boston là thủ phủ) đã ban hành đạo luật về cho thuê phòng ngắn hạn.
Những vấn đề pháp lý kể trên có phần tương đồng với bài toán pháp lý mà Việt Nam đang cần giải liên quan tới việc ứng dụng phần mềm kết nối dịch vụ vận tải của Grab, Bee và Goviet (hoặc trước đây là Uber) trong mối quan hệ với các hãng taxi truyền thống (Mai Linh, Vinasun v.v.).
Riêng với dịch vụ Airbnb, có vẻ, hiện tại Việt Nam chưa thấy vấn đề này bức xúc nhưng có thể trong tương lai, tại các thành phố lớn, các dịch vụ tương tự như Airbnb xuất hiện thì không loại trừ việc gặp vấn đề tương tự như ở Hoa Kỳ để có sự căn chỉnh về chính sách.
PV: Cùng với nền kinh tế chia sẻ, Việt Nam cũng đang rất quan tâm tới việc ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng thành phố thông minh, nơi các vấn đề về đô thị được giải quyết bằng công nghệ, tạo nên một môi trường sống tiện lợi hơn. Đoàn công tác có nghiên cứu về vấn đề này ở Hoa Kỳ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cương: Ý tưởng triển khai dự án về thành phố thông minh cũng được chính quyền những thành phố lớn ở Hoa Kỳ quan tâm. Trong thực tế, quản trị các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như New York đã ứng dụng rất phổ biến công nghệ thông tin và các công nghệ có liên quan để tăng cường hiệu lực, hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Điều đó thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường cung cấp thông tin cho người dân (nhất là thông tin về các dịch vụ thiết yếu liên quan tới xe buýt, tàu điện ngầm, rác thải, điện, nước, bãi đậu xe v.v.). Tại các bãi đỗ xe thông minh, sự tự động hóa trong các công đoạn quản lý xe đi vào, xe đi ra, biển báo chỗ trống để đỗ xe, tính phí đỗ xe v.v. là phổ biến.
Mặc dù vậy, các giáo sư và chuyên gia của Đại học Fordham cho biết, việc triển khai các dự án về thành phố thông minh, nhất là dưới hình thức đối tác công tư, đang gặp phải sự lo ngại của cư dân thành phố về tính minh bạch trong việc thu thập dữ liệu và sử dụng dữ liệu cá nhân.
Khi triển khai các dự án về thành phố thông minh, các cảm biến và camera quan sát sẽ được đặt ở hầu khắp các đường phố, trung tâm thương mại, nơi công cộng để dễ dàng quan sát hành vi ứng xử của bất cứ ai nằm trong tầm bao quát của các camera và các cảm biến.
Điều lo ngại đối với người dân là những dữ liệu ấy sẽ được sử dụng cho việc gì và có cách nào để bảo đảm rằng những dữ liệu ấy không bị sử dụng sai lạc, không bị lộ, lọt và không bị khai thác sai mục đích.
Những quan ngại như vậy về quyền riêng tư của cư dân nếu không được giải quyết thì có thể việc triển khai dự án về thành phố thông minh sẽ bị phản đối và không nhận được sự đồng thuận cao của cư dân thành phố. Do vậy, các giáo sư và chuyên gia cho rằng, khi triển khai các dự án về thành phố thông minh, những quan ngại pháp lý kể trên rất cần lưu tâm để xử lý.
Đoàn Công tác cũng có hỏi về tiêu chuẩn pháp lý để xác định một thành phố nào đó là thành phố thông minh hay không thì các giáo sư và chuyên gia của Hoa Kỳ cho rằng, cho tới nay, ở Hoa Kỳ chưa có văn bản pháp lý nào quy định về vấn đề ấy.
Tùy từng thành phố khi triển khai các dự án về thành phố thông minh trên địa bàn của mình sẽ phải đưa ra bộ nhận dạng riêng.
PV: Hoa Kỳ đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình ra quyết định quản lý chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cương: Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình ra quyết định quản lý (ví dụ, ra các quyết định nhận diện về việc một cư dân nào đó có cần sự hỗ trợ đặc biệt từ phía chính quyền trong các chương trình an sinh xã hội, phòng chống bạo lực gia đình v.v.) cũng đã được đặt ra.
Riêng trong lĩnh vực tư pháp, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đang được bàn luận, nhất là việc tìm kiếm các án lệ tương đồng để phục vụ việc xử lý một vụ việc.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo phục vụ việc ra quyết định chưa thực sự phổ biến (ngoại trừ các phần mềm hỗ trợ tìm kiếm thông tin pháp lý). Lý do là, việc ứng dụng phương thức học máy (machine learning) trong trí tuệ nhân tạo thông qua thuật toán dựa vào dữ liệu quá khứ. Bản thân các dữ liệu quá khứ mang trong mình những định kiến (bias) của người tạo ra dữ liệu.
Chính vì vậy, nếu dựa vào trí tuệ nhân tạo, có thể người ra quyết định sẽ bị định kiến theo và quá trình ra quyết định trở nên thiếu chính xác. Đây là vấn đề mà các phần mềm trí tuệ nhân tạo gặp phải và chưa dễ khắc phục.
PV: Xin cảm ơn ông về những thông tin rất thú vị và hữu ích mà Đoàn Công tác đã khảo sát và nghiên cứu được!
Hồng Thúy (thực hiện)