“Dư địa” và đòi hỏi cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanhnghiệp còn rất lớn

11/12/2019
“Dư địa” và đòi hỏi cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanhnghiệp còn rất lớn
Ngày 10/12, phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Chương trình đối thoại trực tuyến về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.
Hai vị khách mời là Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Nguyễn Thị Minh Phương và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của các độc giả Báo Pháp luật Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Chương trình đối thoại trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh cho biết, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) của Việt Nam giai đoạn năm 2019 đến năm 2021. Tiếp nhận nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ Tư pháp giao cho, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã triển khai nhiều hoạt động liên quan. Trong đó có phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tăng cường truyền thông, thông tin giải đáp về chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật.
Theo Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh, từ chỗ còn mơ hồ về chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) nhưng qua thực hiện các sự kiện truyền thông, chỉ số B1 đã nhận được quan tâm của đông đảo người dân. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, trong đó có Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam thì đến nay, việc nâng xếp hạng chỉ số B1 đã có bước tăng trưởng đáng khích lệ. Qua Chương trình đối thoại này, Báo Pháp luật Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn, truyền tải đầy đủ hơn, thực tế hơn về chỉ số B1, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân, doanh nghiệp, phát huy hơn nữa chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ.
Giới thiệu đôi nét về chỉ số B1, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, chỉ số B1 là một trong những chỉ số quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi hành pháp luật không tốt sẽ làm gia tăng chi phí hành chính, chi phí không chính thức hoặc chi phí rủi ro pháp lý, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, cản trở các doanh nghiệp đầu tư, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận của doanh nghiệp thông qua trả lời câu hỏi khảo sát nên theo ông Hiếu, cần phải lưu tâm một số điểm khó khăn khi thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Bởi chi phí tuân thủ pháp luật là khái niệm rộng, đòi hỏi cải cách bao trùm, cả chất lượng quy định lẫn môi trường thuận lợi cho người thực thi. Còn đối với người cải cách, khó khăn đòi hỏi các cải cách không chỉ là nằm trên giấy, như sửa đổi một quy định hay thay đổi một quy trình thủ tục… mà đòi hỏi các thay đổi đó phải tạo ra được tác động tích cực cho đa số người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thực sự mang lại thoải mái, niềm tin cũng như giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi và chi phí về tiền bạc, thời gian cho họ.
Tuy còn phải đối diện với những khó khăn, thách thức nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2019 là rất tích cực. Bà Phương chia sẻ, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019 mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố mới đây, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã cải thiện về điểm số và vị trí xếp thứ hạng so với năm 2018, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018. “Đây có thể nói là số bậc đã đạt và vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP, năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc” – bà Phương đánh giá.
Mặc dù vậy, ông Hiếu quan niệm, “dư địa” để cải cách còn rất lớn. Ông lý giải, khác với chỉ số thành phần như chỉ số Khởi sự kinh doanh (đo lường thời gian thành lập 1 doanh nghiệp từ ý tưởng đến hoạt động), chỉ số B1 là lát cắt ngang, bao trùm tất cả các quy định pháp luật. Vì thế, việc cải thiện chất lượng và thực thi quy định pháp luật ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều góp phần nâng cao sự hài lòng và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, tuy đã tăng 17 bậc trong bảng xếp hạng năm 2019 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 79/140 quốc gia, tức là mới ở mức dưới trung bình nên dư địa và đòi hỏi cải cách là rất lớn.
Để có thể cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, trong thời gian tới, bà Phương cho rằng các bộ, ngành cần kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các Nghị quyết của Chính phủ. Về phần mình, Bộ Tư pháp cũng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm không có quy định mới chứa đựng các yêu cầu không hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới…
Hoàng Thư