Tham vấn DT BC Nghiên cứu XD cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện khuyến nghị của UB Nhân quyền

12/12/2019
Tham vấn DT BC Nghiên cứu XD cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện khuyến nghị của UB Nhân quyền
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, ngày 10/12/2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo Nghiên cứu xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền đối với Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) lần thứ 3 của Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có bà Sarah H. Cleveland, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, các thành viên Nhóm nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo, đại diện UNDP, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội, Tòa án, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phố phía Nam (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, …) và đại diện của một số tổ chức như Oxfam – Quỹ JIFF, Hội luật quốc tế, Hội Phòng, chống HIV/AIDS, Hội Bảo trợ trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước…
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai Công ước ICCPR đã được Việt Nam chú trọng thực hiện gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Những nỗ lực và thành tựu tích cực trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được Việt Nam phản ánh tại Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba và tiếp tục được nêu bật tại Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền vào tháng 3 năm 2019.
Trên cơ sở kết quả phiên bảo vệ vào đầu tháng 3 năm 2019, ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra Bản khuyến nghị đối với Báo cáo ICCPR, trong đó khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo tốt hơn các quyền dân sự và chính trị đối với 25 nhóm vấn đề. Các khuyến nghị được đưa ra bởi Uỷ ban Nhân quyền rất cụ thể như các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp cụ thể khác mà quốc gia nên thực hiện. Bên cạnh đó, khi xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước ICCPR chu kỳ tiếp theo, thông tin về quá trình triển khai các Khuyến nghị mà quốc gia nhận được trước đó cần được thể hiện trong báo cáo này nhằm thể hiện các nỗ lực cũng như trách nhiệm của quốc gia trong quá trình triển khai thực hiện Công ước. Việc triển khai thực hiện các khuyến nghị cần có sự phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các Bộ, ngành; xác định lộ trình thực hiện phù hợp với Việt Nam; gắn kết được các hoạt động của các ngành, lĩnh vực có liên quan và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Do đó, việc xây dựng cơ chế theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị là hết sức cần thiết.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận về nội dung dự thảo Báo cáo nghiên cứu, lý do lựa chọn các khuyến nghị ưu tiên; yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền trong việc thực hiện khuyến nghị ICCPR; cách hiểu về các khuyến nghị liên quan đến nội luật hóa Công ước và yêu cầu của việc giáo dục, đào tạo nội dung của Công ước ICCPR; cách hiểu về các khuyến nghị ICCPR liên quan đến phân biệt đối xử, độc lập tư pháp và xét xử công bằng… Ý kiến của nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Báo cáo phù hợp với Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc trong việc xác định ưu tiên: tuyên truyền, đào tạo công ước và độc lập tư pháp; những nghiên cứu của các chuyên gia là tương đối sâu rộng, đã cụ thể hóa hơn so với Quyết định số 1252/QĐ-TTg và có sự gắn kết với các Mục tiêu phát triển toàn cầu (SDGs) và so sánh với Kế hoạch thực hiện SDGs của Việt Nam… Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo như cần lý giải rõ hơn về lý do lựa chọn các khuyến nghị ưu tiên; phân tích sâu hơn về các công việc cần làm tiếp theo và làm rõ về kết quả đầu ra… Các ý kiến góp ý, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Nhóm chuyên gia ghi nhận, nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Dự kiến Báo cáo sẽ được hoàn thành và công bố tại tỉnh Quảng Ninh trong tháng 01/2020 tới đây./.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp