Bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp tại TP. Hải Phòng và đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585

14/10/2019
Bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp tại TP. Hải Phòng và đánh giá 10 năm triển khai Chương trình 585
Trên cơ sở kế hoạch hoạt động năm 2019 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), ngày 11/10/2019, tại TP. Hải Phòng, Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết, giải quyết tranh chấp hợp đồng - những bài học kinh nghiệm thực tiễn doanh nghiệp cần lưu ý và Hội nghị đối thoại với các cơ quan, tổ chức, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp với chủ đề đánh giá 10 năm triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện. Các hoạt động thu hút sự tham dự của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương… và các cơ quan báo, đài tham dự.

Sáng ngày 11/10/2019, tại Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp về kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết, giải quyết tranh chấp hợp đồng - những bài học kinh nghiệm thực tiễn doanh nghiệp cần lưu ý đã thu hút gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng và một số tỉnh lân cận (Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương…). Sau lời dẫn đề của Ông Trần Minh Sơn – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, bà Lê Thị Hoàng Thanh đã trao đổi với các doanh nghiệp về tổng quan hệ thống pháp luật hợp đồng hiện nay ở Việt Nam; các kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng và những vấn đề lưu ý trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp về các kỹ năng xử lý vướng mắc, tranh chấp hợp đồng và các vụ việc tranh chấp vụ thể đã xử lý tại VIAC để truyền đạt cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng và các tỉnh lân cận những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và những bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, nhất là kinh doanh thương mại quốc tế.
Chiều ngày 11/10/2019, tại Hội nghị đối thoại với các cơ quan, tổ chức, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng với chủ đề đánh giá 10 năm kết quả triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện. Các đại biểu là lãnh đạo Sở Tư pháp TP. Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương… các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đã trao đổi, đánh giá về kết quả 10 năm triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020.
Bà Nguyễn Thị Tịnh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hải Phòng đã trao đổi về thực tiễn, kết quả triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại TP. Hải Phòng trong thời gian qua và việc phối kết hợp các hoạt động với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020. Qua đó, bà Tịnh đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đề nghị Bộ Tư pháp tuyên truyền sâu rộng hơn nữa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhất là Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp tại địa phương.
Ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đề nghị Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020 cần tiếp tục duy trì, mở rộng và tại điều kiện hỗ trợ các địa phương tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của chương trình trong thời gian tới.
Bà Huỳnh Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Về phía Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp cần có hướng dẫn cho các tỉnh để định hướng, ban hành các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Minh Sơn – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trao đổi, giải đáp cho các đại biểu những điểm mới và hướng thực hiện hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát huy vai trò của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, nhất là việc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và việc xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới./.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp