Kiểm tra công tác tương trợ tư pháp về dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai

10/10/2019
Kiểm tra công tác tương trợ tư pháp về dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai
Trong các ngày 3,4/10/2019 Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự tại Điểm neoCục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Đoàn kiểm tra do đồng chí Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế làm trưởng đoàn.
Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan xử lý lượng án lớn thứ ba trong cả nước năm 2018. Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Cục thi hành án dân sự tỉnh Binh Dương là hai cơ quan trọng điểm về thi hành án dân sự. Đây cũng là các cơ quan có nhiều yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trong thời gian qua. Cả ba cơ quan được kiểm tra đều có sự quan tâm đầu tư cho công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, quán triệt kịp thời các văn bản, tài liệu hướng dẫn của Bộ Tư pháp, cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức, có phân công cán bộ chuyên theo dõi hoạt động này…, do đó việc thực hiện công tác này tại các địa bàn được kiểm tra cơ bản đã đi vào nề nếp. Việc lập các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự để gửi ra nước ngoài và việc thực hiện các yêu câu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài của các cơ quan nói trên thời gian qua đã thực hiện khá tốt, có kết quả cao góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan.
Tuy nhiên, qua kiểm tra Đoàn cũng phát hiện một số lỗi thực tế gặp phải như sau: Thứ nhất, không xác định quốc tịch của đương sự để xác định phương thức tống đạt giấy tờ cho đương sự. Thứ hai, hồ sơ yêu cầu tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ đối với cùng một đương sự, yêu cầu này có thể cùng thực hiện trong các trường hợp: (i) đối với các nước có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam; (ii) tống đạt văn bản đề nghị đương sự tự trả lời theo các nội dung Toà án yêu cầu hoặc các câu hỏi nếu nước được yêu cầu không phản đối. Do chưa phân biệt được nên nhiều hồ sơ đồng thời yêu cầu tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ mặc dù không rơi vào hai trường hợp nêu trên nhưng toà án vẫn gộp chung vào một hồ sơ yêu cầu. Thứ ba, thiếu biên lai thu chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự. Thứ , ủy thác tư pháp đối với 02 đương sự cùng một địa chỉ nhưng không tách hồ sơ và nộp chung chi phí thực tế cho 01 yêu cầu. Thứ năm, vẫn còn một số sai sót về kỹ thuật trong quá trình lập hồ sơ và xây dựng Văn bản uỷ thác tư pháp về dân sự: thiếu bản dịch, thiếu danh mục tài liệu, chưa điền đầy đủ các biểu mẫu…
Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng đã giải đáp các khó khăn vướng mắc cho các cơ quan được kiểm tra trong việc lập hồ sơ và thực hiện các hồ sơ tương trợ tư pháp về dân sự đồng thời đề xuất các giải pháp để các cơ quan này thực hiện tốt hơn công tác giải quyết án khi còn có các quy định không thống nhất tại luật tố tụng dân sự và luật thi hành án dân sự khi phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp. Đoàn kiểm tra đã đề nghị các cơ quan nói trên tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác tương trợ tư pháp, cần tiếp tục chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa, đặc biệt cần tổ chức tổng kết thực tiễn, rút ra khó khăn, vướng mắc để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.
Kết quả làm việc của Đoàn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Bộ Tư pháp đang thực hiện việc lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đồng thời giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt chức năng của mình là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp, cơ quan đầu mối thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
  Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế