Trường Đại học Luật Hà Nội về nguồn thăm lại Quán Gánh

01/10/2019
Trường Đại học Luật Hà Nội về nguồn thăm lại Quán Gánh
Phối hợp với Ban Liên lạc cựu sinh viên; Đảng ủy, HĐND, UBND xã Duyên Thái, Trường Đại học Luật Hà Nội vừa tổ chức buổi giao lưu thân mật “Gặp gỡ về nguồn thăm lại Quán Gánh” với chính quyền, nhân dân địa phương tại nơi Trường đóng trụ sở đầu tiên. Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 40 năm thành lập Trường (10/11/1979 – 10/11/2019) và cũng thể hiện tình cảm, sự tri ân sâu sắc với địa phương nơi Trường từng gắn bó.
Tham dự buổi gặp mặt, giao lưu, về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách, Trưởng đoàn; TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng trường cùng nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hiến, nhiều nguyên lãnh đạo Nhà trường và đông đảo các thầy cô là cán bộ, giảng viên, nguyên cán bộ, giảng viên Nhà trường; lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức đoàn thể thuộc Trường.
Về phía Hội Cựu sinh viên Trường, có GS.TS Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cựu sinh viên Khóa 1, Chủ tịch Hội cùng các thành viên trong Ban liên lạc Hội Cựu sinh viên và gần 200 cựu sinh viên các khóa. Về phía xã Duyên Thái, có Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngô Đình Tiến; Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hùng và đại diện các cơ quan, tổ chức đoàn thể của xã.
Cách đây gần 40 năm, Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lý Việt Nam. Lúc đó, Trường có tên là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội.
Trong những năm đầu khi mới thành lập và bước vào hoạt động, Trường gặp rất nhiều khó khăn: Tổ chức bộ máy của Trường còn sơ khai, cơ sở vật chất nghèo nàn, địa điểm tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ); quy mô tuyển sinh của Trường chỉ hạn chế ở 3 bậc đào tạo là trung cấp, cao đẳng và đại học với số lượng nhỏ. Đến năm 1982, đáp ứng yêu cầu tăng cường đào tạo cán bộ pháp luật, Bộ Tư pháp đã quyết định mở rộng quy mô Trường và thống nhất một đầu mối đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở Việt Nam bằng cách sáp nhập Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lý I và Trường Cán bộ Tòa án Hà Nội vào Trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Đến năm 1993, Trường đã được đổi tên thành “Trường Đại học Luật Hà Nội” (theo Quyết định số 369-QĐ/TC ngày 6/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Có thể nói, mảnh đất, địa danh Duyên Thái – Quán Gánh, Thường Tín đã gắn liền với giai đoạn phát triển đầu tiên, đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy ắp những tình cảm, kỷ niệm của thầy và trò Nhà trường với người dân địa phương. Chính từ mảnh đất, mái trường này, lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên của Trường đã trưởng thành, lớp lớp các thế hệ sinh viên đã được đào tạo và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước; nhiều anh chị giữ những cương vị rất quan trọng của đất nước để có Trường Đại học Luật Hà Nội đang trên đường phát triển thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 549 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay.
Xúc động thăm lại Quán Gánh - cội nguồn của Trường Đại học Luật Hà Nội để cùng ôn lại nhiều kỷ niệm xưa, TS Trần Quang Huy chia sẻ, ngày trở về hôm nay nhiều mái đầu của các thầy cô, các cựu sinh viên đã bạc, trong đó có nhiều thầy cô gắn bó cả cuộc đời với mái trường. Ông Huy nhớ lại: Sau khi được thành lập vào ngày 10/11/1979 thì đến ngày 7/3/1980, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự khai giảng khóa học đầu tiên. Tại đây, Phó Thủ tướng căn dặn Trường phải cố gắng xây dựng trở thành 3 trung tâm lớn – trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá tư tưởng pháp lý. Cho đến nay, Trường tự hào đã thực hiện khá tốt lời dạy của bác Phạm Văn Đồng.
Từ khi chuyển về địa điểm ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), Trường tiếp tục phát triển, mở rộng, hiện có cơ sở 2 tại xã Từ Sơn, Bắc Ninh và Phân hiệu tại Đắk Lắk. Trong suốt quá trình phát triển ấy, có sự đùm bọc, sẻ chia của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Duyên Thái nên ông Huy cùng đoàn vô cùng cảm động được trở lại mái nhà xưa, nơi phát tích của Trường Đại học Luật Hà Nội và bày tỏ niềm tri ân sâu sắc nhất với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Duyên Thái.
Chào mừng đoàn về thăm Quán Gánh, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hùng thông tin một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Hùng cho biết, giai đoạn 1965 – 1979 có rất nhiều cơ quan Nhà nước đóng trụ sở trên địa bàn xã, trong đó có Trường Đại học Pháp lý. Thời gian Trường đóng trụ sở ở đây, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên đã có nhiều tình cảm gắn bó với người dân địa phương.
Sau hơn 20 năm Trường chuyển về địa điểm mới, các thế hệ Nhà trường và người dân địa phương mới có dịp gặp mặt ôn lại những khó khăn trong những ngày đầu thành lập của Nhà trường. Đại diện xã Duyên Thái mong muốn thời gian tới, cho dù hoàn cảnh nhiệm vụ, công việc, địa lý khác nhau song tình cảm giữa người dân xã Duyên Thái và các thế hệ lãnh đạo Trường, các cựu sinh viên luôn luôn gắn bó, luôn giành và trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất.
Nhân dịp này, Hội Cựu sinh viên Trường đã gửi tặng các phần quà đối với những gia đình khó khăn, gia đình chính sách của xã Duyên Thái, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn đối với nhân dân địa phương nơi Trường và các cựu sinh viên đã rất gắn bó.
H.Thư