Trong những năm qua, với sự tham mưu bài bản, thiết thực của Vụ Tổ chức cán bộ, công tác cán bộ của Bộ Tư pháp đã bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, các định hướng, Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ, ngành và được tổ chức thực hiện quyết liệt, khách quan, minh bạch, đúng quy trình, bảo đảm tinh gọn. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, Ngành được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thường xuyên, liên tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân, cùng với việc chú trọng chất lượng đầu vào thì công tác đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp, hiệu quả giữ vai trò chủ đạo, quan trọng.
Với yêu cầu trên, trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp xác định là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn.
Trong đó, đã thực hiện tốt công tác quy hoạch lãnh đạo. Đây là nội dung được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện để bảo đảm tính chủ động, tầm nhìn xa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Trên cơ sở chủ trương của Ban Cán sự Đảng, Vụ Tổ chức cán bộ đã chủ động tham mưu, đề xuất việc thực hiện quy trình quy hoạch, bảo đảm phát huy dân chủ từ các đơn vị thuộc Bộ, có sự tham gia của cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, qua đó phát hiện, lựa chọn những người có đủ phẩm chất, uy tín, giới thiệu đưa vào diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo từ cấp phòng đến cấp Bộ.
Đến nay, Quy hoạch các chức danh lãnh đạo của Bộ (từ quy hoạch Bộ trưởng, Thứ trưởng của Bộ Tư pháp; Quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ của các đơn vị thuộc Bộ) đã được phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch của từng đơn vị, từng chức danh, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ tham mưu trình Lãnh đạo Bộ quyết định chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng chức danh, bảo đảm sự chủ động về nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu về năng lực, tiêu chuẩn khi cần thiết.
Đồng thời, đã định hướng quy hoạch đội ngũ công chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu. Song song với đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, thời gian qua, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ thực hiện quy hoạch đối với các chức danh chuyên môn sâu, bảo đảm chủ động nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn sâu cho từng lĩnh vực.
Kết quả Bộ Tư pháp đã phê duyệt Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020 có 68 cán bộ được quy hoạch. Việc đào tạo được thực hiện theo các hướng chủ đạo như Bộ đào tạo, Thủ trưởng đơn vị đào tạo, cử đi thực tế và bản thân công chức tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi công vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm nghề nghiệp. Từ đó đã giúp cho Bộ đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và chủ động cả về nguồn cán bộ lãnh đạo, cả đội ngũ chuyên gia.
Ngoài ra, cũng đã thực hiện tốt các quy trình công tác bồi dưỡng công chức, viên chức, xác định nhu cầu bồi dưỡng đối với công chức, viên chức các cơ quan thuộc Bộ, ngành, địa phương phù hợp với nhu cầu thực tế, đúng đối tượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với kiến thức, kỹ năng mà công việc yêu cầu; xây dựng chương trình đào tạo theo quy định tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực của từng vị trí cần phải đạt được. Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo trình, tài liệu bồi dưỡng công chức, viên chức sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng, hạn chế đến mức tối đa sự trùng lặp kiến thức gây nhàm chán và lãng phí thời gian.
Nhờ đó đã từng bước chuẩn hóa các chức danh, nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho các chức danh lãnh đạo, quản lý và công chức hành chính nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chính vì thế, mặc dù ngày càng được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ nhưng với sự chủ động chuẩn bị “đón đầu” của mình, Bộ, ngành Tư pháp luôn đáp ứng được ngay yêu cầu của các nhiệm vụ được giao.
Nhiều cán bộ đã trưởng thành, phát triển
Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở tham mưu của Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã nghiêm túc quán triệt Nghị quyết 26, đang và sẽ tiếp tục chú trọng, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và chức danh, coi trọng và tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, gắn với chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho công chức, viên chức. Bộ cũng tiếp tục quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, đội ngũ chuyên gia với nhiều giải pháp như cử cán bộ đi học ở các nước trên thế giới; đi xâm nhập thực tế (luân chuyển về địa phương, tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án Luật, Pháp lệnh); đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực…
Với mong muốn có được nguồn cán bộ cơ bản và quan trọng là để thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và quyết tâm triển khai thành công các Đề án này.
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp triển khai các nội dung theo các Đề án, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng gắn với quy mô đào tạo của mỗi Trường. Những năm gần đây, quy mô đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội là gần 15.000 sinh viên, học viên. Với Học viện Tư pháp, qua hơn 20 năm xây dựng, đã và đang đào tạo được gần 50.300 học viên. Đồng thời, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của nước ta, Trường Đại học Luật Hà Nội đang chú trọng đào tạo chuyên ngành Pháp luật Thương mại quốc tế; Học viện Tư pháp mở các lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Kết quả đào tạo đã góp phần quan trọng đối với công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta.
Bằng tổng thể các biện pháp như vậy, có thể khẳng định đội ngũ cán bộ tư pháp ngày càng vững mạnh, luôn nỗ lực cống hiến hết sức mình ở từng vị trí công tác. Từ “ngôi nhà chung” Bộ Tư pháp, nhiều cán bộ thực sự trưởng thành, phát triển, đã và đang đảm nhiệm vai trò trọng trách cao hơn trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
T.Quyên