Công chứng – đăng ký “cùng nhau” gỡ vướng trong giao dịch đất đai

26/06/2018
Công chứng – đăng ký “cùng nhau” gỡ vướng trong giao dịch đất đai
Ngày 25/6, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về đăng ký đất đai và một số quy định về hôn nhân – gia đình trong công chứng các hợp đồng, giao dịch. Với nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực này, buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo các công chứng viên, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tại nhiều địa phương.

Hệ thống đăng ký còn nhiều “khiếm khuyết”
Bàn về đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về một hệ thống đăng ký thực sự hiện đại, minh bạch và thân thiện, hỗ trợ hiệu quả cho các giao dịch được xác lập, thực hiện trên thực tế hiện nay ở nước ta. Dẫn chứng thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc trong việc xác định người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất, ông Huy nêu ví dụ cụ thể như quyền sử dụng đất được cấp cho vợ - chồng nhưng trên Giấy chứng nhận lại ghi người sử dụng đất là hộ gia đình hoặc quyền sử dụng đất bị hạn chế quyền nhưng trên Giấy chứng nhận lại không ghi nhận tình trạng đó… Ngoài ra, ngay chính các cơ quan đăng ký, giữa cơ quan đăng ký với tổ chức hành nghề công chứng, thuế chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.
Thông tin về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không phản ánh chính xác trong các trường hợp trên chỉ là một trong số những “khiếm khuyết” của hệ thống đăng ký hiện hành. Bên cạnh đó, ông Huy còn chỉ ra những hạn chế khác như một số quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tính minh bạch, an toàn của các giao dịch; mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa phù hợp, lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; quy trình đăng ký thủ công, tồn tại nhiều thiếu sót, dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu từ phía cán bộ đăng ký…
Từ các bất cập này, ông Huy kiến nghị tiếp tục cải cách hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo hướng hệ thống đăng ký phải vận hành thực sự thuận lợi, khách quan và chính xác, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu đăng ký với chi phí đăng ký hợp lý, bảo đảm trên thực tế quyền được tiếp cận thông tin và tôn trọng giá trị pháp lý của thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Đáng chú ý, theo ông Huy, phải giải quyết hiệu quả, toàn diện mối quan hệ giữa hệ thống công chứng với đăng ký.
Thận trọng để tránh khai tử “nhầm”
Kiến nghị vừa nêu của ông Huy xuất phát từ ý kiến phản ánh thực tiễn không ít trường hợp viên chức làm nhiệm vụ đăng ký đã “thực hiện lại” quy trình như một công chứng viên và có trường hợp còn yêu cầu chỉnh sửa hợp đồng đã được công chứng. Nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật vẫn chưa tách biệt được trách nhiệm, thẩm quyền của các bên, các loại giao dịch có công chứng và không có công chứng. Mặt khác do chính đội ngũ cán bộ đăng ký xác định không đúng phạm vi trách nhiệm của mình, từ đó dẫn đến những yêu cầu, hành vi gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ đăng ký.
Thừa nhận còn tình trạng đăng ký “lấn sân” sang công chứng, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội Lê Thị Thu Hương chia sẻ kinh nghiệm của thành phố là thường xuyên chấn chỉnh 28 chi nhánh trực thuộc. Tuy nhiên, bà Hương phân tích, bên cạnh nguyên nhân do quy định của pháp luật thì cũng còn do cán bộ đăng ký hiểu chưa thống nhất quy định nên có thể có những “áp đặt”. Vì vậy, bà Hương mong rằng khi nào bị vấp phải những vướng mắc đó thì Hội Công chứng viên gửi văn bản phản ánh đến Văn phòng.
Công chứng viên Bùi Đình Hộ (Hưng Yên) lại nêu hồ sơ tồn đọng nhiều tại địa phương là việc đăng ký đất đai trong chia thừa kế. Theo đó, nhiều đất chưa được đăng ký chủ sử dụng, trường hợp bố hoặc mẹ đã chết từ lâu, con cái không cầm trong tay giấy chứng tử của bố hoặc mẹ nên không tiến hành làm thủ tục chia thừa kế được. Để giải quyết, UBND cấp xã có nơi cho người dân viết giấy cam đoan nhưng đến văn phòng đăng ký đất đai không nhận hồ sơ. Ông Hộ đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn, nên chăng với trường hợp những người đã chết mà nay tính ra hơn 100 tuổi thì có giấy tờ khác thay giấy chứng tử hoặc cho phép khai tử lại.
Vướng mắc này không chỉ của riêng Hưng Yên mà Hà Nội cũng gặp phải. Theo bà Hương, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội tạo điều kiện linh động để giải quyết cho người dân, chẳng hạn như cho xác nhận bia mộ, chứ không cứng nhắc đòi hỏi phải có giấy chứng tử. Tuy nhiên, bà Hương cảnh báo vẫn phải hết sức thận trọng bởi Hà Nội từng có trường hợp con dâu đi làm thủ tục liên quan đến đất đai thấy giấy tờ rắc rối đã “khai tử” cả bố mẹ chồng vẫn đang sống.
Thành Công