Chiều ngày 29/5/2018 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định nêu trên. Đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện USAID Việt Nam, đại diện của 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã báo cáo kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 những năm vừa qua, đồng thời phân tích các vướng mắc, bất cập của Nghị định và đề xuất, định hướng nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Tiếp đó, Hội nghị cũng đã nghe đồng chí Lê Quốc Trung - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ trình bày tham luận về cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, chức năng tham mưu, thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị. Cần nghiên cứu xây dựng quy trình phản hồi các kiến nghị đề xuất của địa phương thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời cần ban hành các quy trình về hoạt động kiểm tra, khảo sát theo dõi thi hành pháp luật để các cơ quan áp dụng thống nhất và có sơ sở để phối hợp chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cần sớm ban hành Luật tổ chức thi hành pháp luật, trong đó cụ thể hóa vai trò trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cơ chế phối hợp, nội dung thực hiện... để từ đó phát huy vai trò của từng ngành, từng cấp trong việc phối hợp, thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, theo đồng chí Trương Đình Hy - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, công tác theo dõi thi hành pháp luật muốn thực sự hiệu quả thì cần hoàn thiện cơ chế thu thập thông tin và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Để đảm bảo đầy đủ về nguồn thu thập thông tin để cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp, kiến nghị xử lý và xử lý, ông Hy kiến nghị tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2012/NĐ-CP cần quy định trách nhiệm gửi báo cáo cũng như thời hạn gửi báo cáo của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; quy định rõ cơ chế, hình thức, thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu thông tin; trách nhiệm phối hợp của cơ quan quản lý chuyên ngành; đồng thời quy định rõ trong trường hợp nào thì thông tin đã được kiểm tra, đối chiếu có thể được sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật; quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền xử lý tại địa phương ngoài UBND các cấp và chế tài áp dụng đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong trường hợp không xử lý theo quy định…
Chia sẻ tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, theo dõi thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiện là vấn đề khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, do vậy để phát huy hiệu quả công tác này thì trước hết cần phải hoàn thiện thể chế, đảm bảo tính hệ thống và toàn diện, đồng thời phải thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức khi thực hiện pháp luật.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng nhất trí cao với dự thảo báo cáo kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Bộ Tư pháp, đồng thời đề xuất hoàn thiện quy định về thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, có chế tài cụ thể khi phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật. Trong khi đó, đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An cho rằng cần bổ sung thẩm quyền đình chỉ, tạm đình chỉ đối với các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; đồng thời quy định chặt chẽ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Nhiều ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị bàn về vấn đề nguồn lực của công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có ý kiến đề xuất Chính phủ giao Bộ Nội vụ tham mưu bố trí về nguồn nhân lực của công tác theo dõi thi hành pháp luật nói riêng, công tác pháp chế ở địa phương nói chung và đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành liên quan giải quyết vấn đề kinh phí thực hiện công tác này tại dự thảo Nghị định.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp đã cảm ơn và ghi nhận các ý kiến trao đổi có chất lượng của đại biểu dự Hội nghị, đồng thời khẳng định việc hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó cần tập trung nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP với cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay./.
Cục QLXLVPHC và TDTHPL