Từ ngày 22 đến 24 tháng 5 năm 2018, tại Budapest, Hungary, hai đoàn đàm phán của hai nước đã tiến hành đàm phán vòng 2 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri (Hiệp định). Đoàn đàm phán liên ngành của phía Việt Nam gồm đại diện các cơ quan gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp do bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn. Tiếp tục kết quả đàm phán từ phiên đàm phán Vòng 1 Hiệp định đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 1 năm 2018, sau 3 ngày làm việc tích cực, với tinh thần hợp tác, hữu nghị trên cơ sở truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary, hai bên đã đàm phán thành công tốt đẹp, thống nhất được toàn bộ nội dung dự thảo dự thảo Hiệp định để tiến hành các thủ tục tiếp theo chính thức ký Hiệp định.
Qua quá trình đàm phán cho thấy, mặc dù có nhiều điểm gần gũi trong hệ thống pháp luật những những quy định cụ thể của pháp luật giữa hai nước vẫn có một số điểm khác biệt. Cụ thể như về công nhận và cho thi hành, tại Hungary, việc công nhận áp dụng với mọi bản án, quyết định với hậu quả là ngăn cản nguyên đơn tiếp tục khởi kiện với bị đơn với cùng một vụ việc về cùng một căn cứ (res judicata). Trong khi đó thủ tục thi hành án được áp dụng với những bản án, quyết định của nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Hungary. Mặc dù thủ tục thi hành bao gồm cả việc công nhận nhưng đây vẫn được coi là hai thủ tục riêng. Quy định về tạm ứng chi phí tố tụng, tại Hungary bên thua kiện sẽ phải thanh toán các chi phí tố tụng bao gồm cả chi phí luật sư, người phiên dịch, người giám định… của bên thắng kiện. Do lo ngại khó đòi được chi phí này trong trường hợp nguyên đơn là người nước ngoài khởi kiện tại Hungary nên Hungary và một số quốc gia khác có quy định riêng về tạm ứng chi phí tố tụng đối với người nước ngoài bên cạnh việc quy định tạm ứng chi phí tố tụng áp dụng chung trong mọi vụ việc.
Hai đoàn đàm phán đã thảo luận, chia sẻ về quy định pháp luật và thực tiễn thực thi của mỗi bên liên quan đến từng điều khoản được đàm phán để thống nhất nội dung. Sau khi đàm phán, phía Hungary đã chấp nhận cách thức phân loại bản án, quyết định cần phải công nhận và cho thi hành theo hướng tương tự như quy định của pháp luật Việt Nam: phân loại bản án, quyết định thành loại đương nhiên công nhận và loại phải qua thủ tục công nhận và cho thi hành. Đồng thời, phía Hungary miễn việc nộp tạm ứng chi phí tố tụng của người nước ngoài cho công dân Việt Nam. Đây là những quy định thuận lợi thể hiện thiện chí đặc biệt của phía Hungary trong mối quan hệ với Việt Nam. Hiệp định còn có một quy định đáng chú ý hỗ trợ cho phần công nhận và cho thi hành một cách gián tiếp thông qua quy định về trùng tố. Tương tự như các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự trong thời gian gần đây, Hiệp định mới cũng có điều khoản rà soát 3 năm một lần.
Ngoài ra, Hungary còn là thành viên của Liên minh châu Âu nên các Hiệp định mà Hungary ký với các quốc gia khác không được ảnh hưởng đến nghĩa vụ thành viên của Hungary trong khối Liên minh châu Âu.
Kết quả đàm phán là dự thảo Hiệp định gồm 32 điều chia thành 5 phần với phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự truyền thống như tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, thu thập và chuyển giao chứng cứ, triệu tập người làm chứng và người giám định, trao đổi thông tin pháp luật và giấy tờ trong lĩnh vực dân sự và tương trợ tư pháp về dân sự, cung cấp và chuyển giao các giấy tờ về hộ tịch. Nội dung công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền và phán quyết trọng tài cũng được quy định trong dự thảo Hiệp định. Hai bên thống nhất cách hiểu phạm vi lĩnh vực dân sự theo nghĩa rộng bao gồm cả dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, kể cả các vụ việc dân sự do cơ quan hành chính giải quyết và các hỗ trợ về chi phí tố tụng tại Điều 19 Hiệp định bao gồm cả tạm ứng chi phí.
Giữa hai nước trước đây đã có Hiệp định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, gia đình và hình sự ký tại Hà Nội ngày 18/1/1985 (Hiệp định năm 1985). Tuy nhiên, kể từ ngày 30/6/2017, các nội dung tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự tại Hiệp định năm 1985 đã được thay thế bởi các Hiệp định mới giữa hai nước về dẫn độ, chuyển giao người chấp hành hình phạt tù, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, nội dung tương trợ tư pháp về dân sự vẫn áp dụng theo Hiệp định năm 1985. Hiệp định mới này sau khi được ký kết và có hiệu lực sẽ thay thế toàn bộ Hiệp định năm 1985, hiện đại hóa cơ sở pháp lý cho hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai nước.
Việt Nam và Hung-ga-ri thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/02/1950. Trải qua nhiều thời kỳ, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp được hai Bên duy trì, phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, thiết thực và ý nghĩa. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cùng với 3 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đã được ký kết cũng sẽ góp phần đồng bộ hóa cơ sở pháp lý toàn diện cho hợp tác tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực của hai nước, nâng quan hệ hợp tác về tư pháp giữa hai bên lên tầm cao mới. Điều này cũng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được nêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết 22 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/4/2013 về Hội nhập quốc tế. Hiệp định được ký kết sẽ góp phần khẳng định chủ tương tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực của Nhà nước Việt Nam, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo hộ công dân cũng như hỗ trợ các nước trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh từ hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở kết quả đàm phán này, hai bên sẽ tích cực hoàn tất các thủ tục nội bộ để có thể sớm ký chính thức hiệp định trong thời gian tới.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế