Thực hiện quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, Kế hoạch 1077 và Quyết định 782, Bộ Tư pháp vừa tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2018 cho khoảng 100 học viên là công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội, Ban Chỉ huy, đội viên Đội phòng cháy và chữa cháy cơ quan Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn cho biết tình hình các vụ cháy nổ ở nhiều địa phương có chiều hướng diễn ra ngày càng phức tạp, mang lại hậu quả nặng nề về tính mạng con người và tài sản. Nguyên nhân từ sự bất cẩn, sơ suất trong sinh hoạt, sản xuất của người dân hoặc do chủ đầu tư các công trình xây dựng không chấp hành tốt quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy…
Với phương châm “phòng hơn chống” và trong bối cảnh hiện nay là mùa hè sắp đến thì việc mở những lớp bồi dưỡng như thế này rất cần thiết để nâng cao ý thức và kỹ năng xử lý tình huống cho các cán bộ, công chức như kỹ năng sử dụng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm…, hạn chế tối đa hậu quả, thiệt hại khi sự cố không may xảy ra. Hơn nữa, cơ quan Bộ Tư pháp nằm ở vị trí nhạy cảm nên càng cần phải được đảm bảo an toàn, đặc biệt là an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
|
|
Sau khi nghe phổ biến nội quy lớp học, các học viên đã được báo cáo viên đến từ trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy là Thiếu tá, TS. Ngô Văn Anh giới thiệu những kiến thức bổ ích, thiết thực. Giảng viên không chỉ điểm lại hệ thống quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nguyên nhân cháy nổ và các vụ cháy điển hình, quy trình tham gia cứu chữa vụ cháy mà còn chia sẻ những kỹ năng xử lý khi có cháy ở các cấp độ khác nhau, cách sử dụng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy, các biện pháp chống ngạt, chống khí độc, hay các cách di chuyển và sử dụng thang dây thoát hiểm khi có hỏa hoạn thực sự…
Thực tế cho thấy, các vụ hỏa hoạn cháy nổ hoàn toàn có thể dập tắt từ sớm và tránh được những hậu quả đau lòng nếu có sự phòng bị kỹ lưỡng. Để tránh được những cơn thịnh nộ của "bà hỏa", bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, không chỉ có sự vào cuộc của lực lượng chức năng mà cần phải bắt đầu từ sự chủ động ý thức của mỗi người.
Thiếu tá Văn Anh và Đại úy Triệu Thanh Minh (Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội) cũng trực tiếp hướng dẫn cho các học viên nghiêm túc thực hành chữa cháy tại chỗ bằng sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như lăng phun, cuộn vòi, các bình chữa cháy xách tay ABC và CO2. Lớp bồi dưỡng đã nhận được sự tham gia tích cực và nhiệt thành của các cán bộ, công chức, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng tránh các sự cố cháy nổ cũng như được trải nghiệm, thực hành trực tiếp các phương thức xử lý để ứng phó kịp thời nếu sự cố xảy ra.
H.Thư