Xử lý các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật

21/03/2008
Hôm qua (20/3), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã làm việc với Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế về hướng xử lý các quy định có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Bộ Giao thông Vận tải về vận tải hành khách và những nội dung chưa rõ ràng tại Thông tư của Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn việc kinh doanh nhập khẩu phế liệu.

Theo bà Mạc Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng GTVT ban hành "Quy định vận tải hành khách bằng ô tô" và Quyết định số 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007 ban hành "Quy chế về vận tải khách bằng tắc xi" có một số nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, ngoài các quy định theo pháp luật hiện hành, Quyết định số 16 còn quy định thêm xe đăng ký khai thác tuyến vận tải khách cố định phải có các điều kiện như: "Xe đăng ký sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu chi nhánh doanh nghiệp",  "Xe đăng ký sở hữu của đơn vị có chức năng thuê mua tài chính" , "Xe đăng ký của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài chính". Bên cạnh đó, Quyết định 17 quy định: "Điều kiện xe ô tô được cấp phù hiệu: Xe ô tô đăng ký sở hữu doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp, …; Xe ô tô đăng ký sở hữu của đơn vị có chức năng thuê mua tài chính…".

Sau khi hai Quyết định này được ban hành, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đã có Công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ: theo quy định tại Nghị định số 110/2006/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì không có điều khoản nào quy định điều kiện về chủ sở hữu (là của xã viên hay hợp tác xã) đối với phương tiện xe ô tô. Tuy nhiên, Quyết định số 16 và 17 của Bộ GTVT lại quy định chỉ có phương tiện đăng ký sở hữu của pháp nhân mới được tham gia kinh doanh là không đúng thẩm quyền. Mặt khác, việc Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện về sở hữu đối với phương tiện vận tải khi tham gia kinh doanh là không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng hợp tác xã theo mô hình mới.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi không thống nhất được ý kiến, đến chiều qua, theo thông tin từ Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế phản ánh thì Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn trả lời Bộ Tư pháp với tinh thần "cương quyết" thực hiện tiếp hai quyết định này. Quan điểm mà Bộ GTVT đưa ra là hai Quyết định 16 và 17 chỉ là "hướng dẫn chi tiết các điều kiện" đã được quy định tại Nghị định số 110 nhằm mục đích thực hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải được tốt hơn và việc triển khai thực hiện 2 Quyết định nêu trên không có gì vướng mắc. Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định, việc Bộ GTVT đưa vào Quyết định 16, 17 những điều kiện về sở hữu đối với phương tiện vận tải khi tham gia kinh doanh mà Nghị định 110 không quy định là vượt thẩm quyền. Bởi vậy, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ra thông báo theo đúng thẩm quyền đối với văn bản vi phạm pháp luật.

Cũng trong buổi làm việc chiều qua, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã cho ý kiến về hướng xử lý đối với Thông tư số 02/2007/TTLT-BCT-BTNMT hướng dẫn việc kinh doanh nhập khẩu phế liệu và Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Theo nhận xét của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, tuy Thông tư số 02 và Quyết định số 12 không trái luật nhưng lại có một số nội dung không rõ ràng về tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp kinh doanh phế liệu nhập khẩu cũng như chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn  nhập khẩu đối với từng loại phế liệu để phân biệt với các loại phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẩn trương tổ chức một cuộc họp giữa các Bộ, ngành liên quan để thảo luận về vấn đề này nhằm sớm có sự hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhập khẩu, tiêu chuẩn từng loại phế liệu được phép nhập khẩu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

HồngThuý