Tham dự Hội thảo gồm có Lãnh đạo Vụ và toàn thể các công chức thuộc Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, đại diện Đoàn Thanh niên của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, thảo luận các vấn đề vướng mắc, bất cập của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng thuyết trình đối với đội ngũ công chức của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Hội thảo đã nghe tham luận của 06 Báo cáo viên là công chức thuộc Phòng Công tác xây dựng pháp luật, Chính sách pháp luật, Công tác pháp chế và Hành chính – Tổng hợp thuộc Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Các tham luận tập trung vào phân tích thực trạng và kiến nghị hoàn thiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật, quy trình phân tích, quyết định chính sách, nguyên tắc áp dụng, hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật; vai trò của tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng pháp luật; những điểm mới của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Hội thảo đã dành thời gian để thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan đến nội dung của các tham luận, trong đó tập trung vào các vấn đề về thẩm quyền ban hành văn bản, quy trình soạn thảo văn bản và hiệu lực của văn bản. Về thẩm quyền ban hành văn bản, đa số các ý kiến đều cho rằng không nên giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, chính quyền cấp huyện và cấp xã thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng của từng chủ thể này đã được quy định trong Hiến pháp, góp phần đơn giản hóa hệ thống pháp luật. Về quy trình soạn thảo văn bản, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định Quốc hội quyết định chính sách là phù hợp để tránh tình trạng vừa thiết kế vừa thi công trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực, thời gian soạn thảo. Vấn đề hiệu lực văn bản là vấn đề được đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi nhất. Đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cần được tiếp tục nghiên cứu để giải quyết trong dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiệu lực của văn bản quy định chi tiết trong trường hợp văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực; hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương… Liên quan đến vai trò của tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng pháp luật, Báo cáo viên và các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất, trao đổi về các giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về tổ chức pháp chế, trong đó có các giải pháp …
Đây là Hội thảo quan trọng, góp phần thu hút trí tuệ của các công chức trẻ vào hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ghi nhận, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình phối hợp chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nguyễn Thị Phương Liên, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật