Triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính: Còn đó không ít những khó khăn

06/04/2015
Triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính: Còn đó không ít những khó khăn
Trong hai ngày 06 và 07/4/2015, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn “Nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 và hướng dẫn chuẩn hoá thủ tục hành chính” cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Lãnh đạo của 20 Sở Tư pháp TP.HCM, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự.

Tạo thuận lợi cho người dân

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), Bộ Tư pháp cho biết, năm 2014, công tác CCTTHC nói chung và KSTTHC nói riêng trên cả nước đã đi vào nề nếp và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả của CCTTHC, KSTTHC đã giúp đơn giản hoá và công bố, công khai hàng nghìn thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời song dân sinh. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính trong việc tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính. Tính đến quý I, năm 2015, các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản QPPL để đơn giản hoá 4.431 thủ tục hành chính trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính phải đơn giản hoá; đạt tỷ lệ 93,8%, tăng 1,0% so với kết quả cuối năm 2014.

Đường dây nóng góp ý về CCTTHC

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM chia sẻ về việc xây dựng đường dây nóng góp ý về CCTTHC hoạt động 24/24 giờ để người dân, doanh nghiệp có thể phản hồi, góp ý vào đây, từ đó chúng tôi tiến hành xử lý thông tin… Đồng tình với Giám đốc Nguyễn Văn Hạnh, bà Tống Thị Thanh Nam, phó giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội cho biết, ngoài các sở, ngành, hiện ở Hà Nội còn triển khai thí điểm CCTTHC ở hai đơn vị dịch vụ công ích. Với suy nghĩ rằng, không phải chỉ CCTTHC ở các cơ quan công quyền mà ngay cả đơn vị công ích cũng nên áp dụng.

CCTTHC có 8 nhóm nhiệm vụ chung được giao cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế về giao dịch và đăng ký giao dịch bảo đảm, đẩy mạnh XHH dịch vụ công; Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh CCTTHC, rà soát, đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; Công khai minh bạch các thủ tục hành chính; Triển khai, thiết lập hệ thống thông tin về phản ánh, kiến nghị và giải quyết thủ tục hành chính; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; Triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Phong Trần – Phương Thảo