Trường Đại học Luật Hà Nội: Tổ chức đối thoại Hiệu trưởng với cán bộ, giảng viên trẻ

03/04/2015
Trường Đại học Luật Hà Nội: Tổ chức đối thoại Hiệu trưởng với cán bộ, giảng viên trẻ
Sáng 01/4/2015, hơn 100 cán bộ, giảng viên trẻ Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi đối thoại, trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng với Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng – TS. Phan Chí Hiếu.

Chương trình đối thoại này là mong muốn ấp ủ suốt 4 năm trên cương vị Hiệu trưởng của người đứng đầu Nhà trường, với hy vọng tạo ra một diễn đàn để lãnh đạo nhà Trường nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ giảng viên trẻ, đồng thời có những giải đáp, tư vấn kịp thời, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng chiếm tới 41% tổng số cán bộ, giảng viên toàn Trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng Trường ngày càng vững mạnh. Buổi đối thoại còn có sự tham gia của các đồng chí trong Ban Giám hiệu và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường.

Mở đầu buổi đối thoại, ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ – Giảng viên Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế đã đặt câu hỏi về việc bồi dưỡng, tăng cường kỹ năng giảng dạy và kiến thức thực tiễn - hai vấn đề được đánh giá là còn yếu đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ. Đây cũng là ý kiến của nhiều giảng viên tại buổi đối thoại như ThS. Hoàng Thị Loan, ThS. Mai Thị Mai… Các ý kiến đều nhất trí đề nghị Nhà trường có biện pháp tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên trẻ được tham gia nhiều hơn vào các công việc thực tiễn để củng cố, bổ trợ cho kiến thức lý luận. Một số biện pháp mà các giảng viên trẻ đưa ra là: Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên trẻ cùng tham gia tư vấn với chuyên gia, tư vấn viên; Trường tạo điều kiện về mặt thời gian để cán bộ, giảng viên trẻ đi thực tế ở các công ty, văn phòng luật; Trường hỗ trợ về mặt tài chính cho các khoá học kỹ năng... Một số ý kiến cũng đề nghị Nhà trường nghiên cứu xây dựng chế độ làm việc đối với giảng viên sao cho cân đối giữa số giờ giảng, giờ nghiên cứu khoa học và giờ thực tiễn, đồng thời quy định số giờ thực tiễn tối thiểu đối với các giảng viên, trong đó có các giảng viên trẻ. Kiến thức thu được từ số giờ thực tiễn sẽ được đánh giá bởi Hội đồng đánh giá kiến thức thực tiễn – ThS. Hoàng Thị Loan – Giảng viên Khoa Pháp luật dân sự hiến kế.

Liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học đã có rất nhiều câu hỏi, ý kiến đề xuất được đặt ra. ThS. Đàm Quang Ngọc – Giảng viên Khoa Pháp luật hình sự đề xuất tổ chức nhiều hơn các toạ đàm về kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên; hàng năm, nhân Tháng Thanh niên sẽ tổ chức xuất bản một Đặc san của Tạp chí Luật học với lực lượng tác giả là cán bộ, giảng viên trẻ; tổ chức diễn đàn nghiên cứu khoa học trực tuyến cho cán bộ, giảng viên và công nhận điểm nghiên cứu đối với các bài viết được đăng tải trên diễn đàn này... ThS. Lê Hương Giang – Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trẻ như: Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên trẻ tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp dưới sự hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm; tạo thêm các không gian nghiên cứu khoa học tại Trường cho cán bộ, giảng viên... Đáp lại sự quan tâm của cán bộ, giảng viên trẻ về vấn đề này, cùng với Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu, TS. Nguyễn Thị Thuận – Trưởng Phòng Quản lý khoa học và PGS.TS. Tô Văn Hoà – Trưởng Khoa Hành chính-Nhà nước đã có những ý kiến giải đáp, tư vấn hết sức bổ ích cho cán bộ, giảng viên trẻ. Hai giảng viên giàu kinh nghiệm cho rằng: Các giảng viên trẻ phải coi nghiên cứu khoa học là cái chất, cái cốt lõi của người giảng viên, cái chất càng được củng cố, làm đầy thì việc thể hiện cái chất đó tức là hoạt động giảng dạy của giảng viên sẽ càng có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự đầu tư cũng như sự chủ động, tích cực rất lớn từ phía cán bộ, giảng viên.

Bên cạnh các ý kiến trên, hầu hết ý kiến của cán bộ, giảng viên trẻ tại buổi đối thoại đều mong muốn Nhà trường đầu tư kinh phí để hiện đại hoá cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: trang bị thêm máy chiếu, bố trí các phòng học tiện nghi, thuận lợi cho việc giảng dạy; tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên được tiếp cận các nguồn dữ liệu thông tin quốc tế; tổ chức các lớp học nâng cao trình độ ngoại ngữ. Một số ý kiến cũng đề nghị Nhà trường, Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều hơn các hoạt động đoàn thể để gắn kết các đoàn viên, thanh niên; đảm bảo hơn nữa các chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên...

Quan tâm lắng nghe, nhiệt tình giải đáp tất cả ý kiến của cán bộ, giảng viên trẻ cho đến phút cuối cùng của buổi đối thoại, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng buổi đối thoại đã thực sự là cơ hội để lãnh đạo Nhà trường tiếp nhận được nhiều thông tin từ phía cán bộ, giảng viên trẻ và cũng là cơ hội để các thế hệ của Nhà trường thêm hiểu nhau. Đánh giá đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ là lực lượng chính trực tiếp tham gia hoạt động giảng dạy của Nhà trường, là lực lượng góp phần không nhỏ trong những thành tích mà Trường đạt được tuy nhiên Hiệu trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của đội ngũ giảng viên trẻ như: các kiến thức bổ trợ như tiếng Anh, tin học còn hạn chế; tinh thần học hỏi, phấn đấu, sự hy sinh, cống hiến cho các công việc chung cũng như sự chủ động, tích cực chưa cao... Hiệu trưởng cũng bước đầu chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó để cùng tìm biện pháp khắc phục với đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ.

Kết luận buổi đối thoại, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu cam kết sẽ ghi nhận, nghiên cứu nghiêm túc các ý kiến, đề xuất để đưa ra các biện pháp tạo điều kiện, hỗ trợ cần thiết giúp cán bộ, giảng viên trẻ phát huy tốt nhất năng lực cá nhân, đóng góp tích cực cho công việc chung, tiếp tục phát huy sự đoàn kết, nhất trí để xây dựng Trường ngày càng vững mạnh trong thời gian tới./.                                          

                                                            Hoàng Lan