Trao đổi kinh nghiệm tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

30/03/2015
Trao đổi kinh nghiệm tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng
Tiếp tục các hoạt động trong Tuần lễ pháp luật Việt-Đức tại Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 26/3/2015 đã diễn ra Hội thảo: “Tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng (NTD) ở Việt Nam và kinh nghiệm của Đức”.

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng; Ông Erwin Schweisshelm - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; GS. Juergen Kessler - Trường Đại học Kỹ thuật và kinh tế Berlin, CHLB Đức; PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh - Phó viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cùng các đại biểu đến từ Cục Quản lí cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Ngoại thương; Đại diện Tổ chức Thống nhất và tín thác bảo vệ NTD tại Hà Nội - Văn phòng CUTS Hà Nội và các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

Với 6 báo cáo tham luận, 15 ý kiến thảo luận, nhiều nội dung, vấn đề  pháp luật và các thiết chế thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD đã được các đại biểu bàn luận, chia sẻ. Tại Việt Nam, theo quy định của Luật bảo vệ NTD năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan, các thiết chế bảo vệ NTD quan trọng nhất hiện đang tồn tại ở Việt Nam gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD, các tổ chức xã hội, hệ thống toà án. Về 3 nhóm thiết chế này, các đại biểu cho rằng bên cạnh một số kết quả đạt được, nhìn chung các thiết chế này chưa đủ mạnh, chưa đủ nguồn lực để bảo vệ hiệu quả quyền lợi của NTD.

Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn - Uỷ viên Uỷ ban kinh tế-xã hội châu Âu, Chủ tịch Trung tâm bảo vệ quyền lợi NTD Berlin, GS. Kessler đã chia sẻ rất nhiều thông tin, kinh nghiệm trong việc tổ chức, vận hành các thiết chế bảo vệ NTD ở CHLB Đức. GS cho biết tại Đức không có văn bản luật riêng về bảo vệ quyền lợi NTD, các quy phạm pháp luật chủ yếu hoặc đồng thời nhằm mục tiêu bảo vệ NTD nằm trong Bộ luật Dân sự và một số luật khác như pháp Luật cạnh tranh, Luật phá sản, một số luật công... Cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ NTD được giao cho Bộ Tư pháp để đảm bảo việc kiểm soát các văn bản pháp luật ngay từ khi ban hành đã chú ý đến vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD.

Khác với Việt Nam, cũng khác với hầu hết các quốc gia châu Âu (trừ Áo), tại Đức không có bất cứ cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm thực thi bảo vệ quyền lợi NTD mà hoàn toàn do các hội tư nhân thực hiện. Các Hội này độc lập với Nhà nước về tổ chức và hoạt động. Hội có quyền khởi kiện các doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho NTD. Hiệp hội bảo vệ NTD toàn Liên bang là tổ chức bao trùm của 16 trung tâm bảo vệ quyền lợi NTD ở cấp bang (với 190 trung tâm tư vấn trên toàn Liên bang) và 25 hiệp hội chính sách đối với NTD . Hiệp hội thực hiện nhiệm vụ đại diện quyền lợi cho NTD trong lĩnh vực chính sách; thực thi pháp luật; hỗ trợ các trung tâm tư vấn NTD và hoạt động của các tổ chức thành viên. Các hội bảo vệ NTD luôn hoạt động tích cực, chủ động và nhận được sự tín nhiệm rất cao từ phía người dân.

Thiết chế Quỹ thử nghiệm hàng hoá của CHLB Đức được các đại biểu quan tâm và đặt nhiều câu hỏi đối với GS. Kessler. Quỹ thực hiện thử nghiệm, điều tra và công bố kết quả về chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Kết quả công bố này có tác động rất lớn đến hành vi kinh doanh của các nhà sản xuất, nhà phân phối cũng như việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của NTD.

Với những thông tin từ GS. Kessler, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá, mặc dù không có văn bản riêng về bảo vệ quyền lợi NTD song CHLB Đức có hệ thống pháp luật hữu hiệu, hệ thống thiết chế thực thi hiệu quả để bảo vệ NTD. Mô hình các Hội tư nhân bảo vệ quyền lợi NTD, Quỹ thử nghiệm hàng hoá và hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại là những kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế bảo vệ NTD.

Hội thảo này cũng là sự kiện khép lại Tuần lễ pháp luật Việt-Đức lần thứ 7 tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Trong phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu đánh giá: Tuần lễ pháp luật Việt-Đức đã thành công tốt đẹp với việc tổ chức thành công 2 Hội thảo quốc tế bàn về những vấn đề mới, phức tạp của khoa học pháp lý; biên soạn và cho ra mắt cuốn Từ điển Luật học Đức-Anh-Việt; Chương trình giao lưu văn hoá pháp luật Việt-Đức với nhiều hoạt động sôi nổi… Kết quả của những hoạt động này khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội với Viện FES, DAAD Văn phòng đại diện bang Hessen tại Việt Nam, các cơ sở đào tạo của CHLB Đức… Đây là tiền đề để các bên tiếp tục tổ chức thành công Tuần lễ pháp luật Việt-Đức lần thứ 8 tại Trường Đại học Luật Hà Nội trong năm tới.

Quỳnh Hoa