Ngày 25/3, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi dưới sự chủ trì của Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển. Các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã sôi nổi tham gia góp ý chung đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi) cũng như đưa ra những góp ý chi tiết cho một số nội dung về phần Nghĩa vụ và Hợp đồng, về vai trò của người quản lý di sản, về quyền nhân thân…
Một trong 10 vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân và cũng thu hút được nhiều sự chú ý là quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản. Một số chuyên gia cho rằng, việc duy trì quy định về mức trần lãi suất hợp đồng cho vay là cần thiết nhằm điều chỉnh quan hệ cho vay tài sản, tạo sự ổn định cho các quan hệ xã hội, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm tiêu chí để xác định lãi suất trần của hợp đồng cho vay (là mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố) vì lãi suất cơ bản được coi là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Phó trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế (Viện Khoa học pháp lý) Lê Thị Hoàng Thanh thì đề xuất cụ thể là xác định lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá lãi suất trung bình của ba ngân hàng lớn trong nước tương ứng thời gian vay.
Từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, LS Trần Đăng Chung, Văn phòng Luật sư Luật và Phát triển, rất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu. LS Chung phân tích, việc người thứ ba căn cứ vào việc tài sản giao dịch đã được đăng ký theo đúng quy định pháp luật mà họ tiến hành giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu là điều đương nhiên bởi đây được hiểu là tài sản hợp pháp, được quyền thực hiện giao dịch. Còn ở những trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản của đối tượng giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu thì không những bị coi là vô hiệu mà còn là vi phạm pháp luật thậm chí là tội phạm hình sự. Điều này đã được pháp luật quy định rõ, vừa là để bảo vệ chủ sở hữu cũng là bảo vệ bên thứ ba vừa là để thúc đẩy quan hệ, giao dịch dân sự công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật.
“Việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng trải qua một quy trình chặt chẽ và bởi vậy, khi chủ thể đã thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật quy trình và đáp ứng các điều kiện thì việc xác lập giao dịch đó sẽ phải được công nhận. Sai ở khâu nào thì cá nhân liên quan ở khâu đó phải chịu trách nhiệm. Đối với người dân cũng sẽ phải thay đổi nhận thức đặc biệt là ý thức pháp luật bởi đời sống cộng đồng, nhân loại luôn phát triển là một xu thế tất yếu mà nó sẽ không chờ một ai trong quá trình phát triển của mình” - LS Chung phát biểu.
Dưới góc nhìn của một công chứng viên, Trưởng Phòng Công chứng số 1 TP. Hà Nội Tuấn Đạo Thanh lại quan tâm đến vai trò của người quản lý di sản khi hiện chưa có bất cứ một quy định nào của pháp luật dân sự chính thức khẳng định công chứng viên có thể trở thành người quản lý di sản, cho dù về mặt kỹ thuật, công chứng viên vẫn có thể trở thành người quản lý di sản nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng. Theo ông Thanh, Dự thảo BLDS sửa đổi tiếp tục khiến cho vai trò của người quản lý di sản không mấy phát huy hiệu quả trên thực tế cuộc sống nên ông đề xuất cần xác định rõ ràng vai trò của công chứng viên trong chế định thừa kế, nhất là với tư cách người quản lý di sản. “Việc cho phép người để lại di sản hoặc những người được hưởng thừa kế có quyền chỉ định công chứng viên làm người quản lý di sản cũng như tạo lập hành lang pháp lý để công chứng viên có thể thực thi trọn vẹn, hoàn hảo quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản sẽ là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như của bên thứ ba có liên quan” – ông Thanh nhấn mạnh.
Cho rằng tài sản hình thành trong tương lai là một trong những loại tài sản cần phải được quy định cụ thể và rõ ràng hơn nữa, Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội Phạm Thanh Sơn nhận xét: “Nếu chỉ định nghĩa chung chung như Dự thảo (tài sản hình thành trong tương lai là tài sản hình thành sau thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm) sẽ làm cho hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước khó khăn hơn cũng như không thể đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, LS Sơn kiến nghị quy định loại tài sản này theo hướng phân chia cụ thể thành tài sản đã hình thành trên thực tế nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và tài sản chưa được hình thành trong thực tiễn. Riêng đối với loại tài sản hình thành trong tương lai đã hiện hữu cần phân chia thành tài sản chưa được cấp Giấy chứng nhận và tài sản đã hiện hữu nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Thục Quyên