Trao đổi kinh nghiệm Việt Nam – Nhật Bản trong xây dựng khung pháp lí về ban hành quyết định hành chính

23/03/2015
Trao đổi kinh nghiệm Việt Nam – Nhật Bản trong xây dựng khung pháp lí về ban hành quyết định hành chính

Ngày 20/3/2015, tại Trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế: “Xây dựng khung pháp lí về ban hành quyết định hành chính ở Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch và chế độ trách nhiệm - Một số kinh nghiệm của Nhật Bản” do Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Nagoya phối hợp tổ chức. Về phía Trường Đại học Tổng hợp Nagoya, có sự tham dự GS. Honda và GS. Yasuda Rire cùng các giảng viên, nghiên cứu viên đang giảng dạy, nghiên cứu tại Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu Pháp luật Nhật Bản tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có đông đảo các giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu tại Trường cùng một số đại biểu đến từ Học viện Tư pháp, Viện nghiên cứu khoa học pháp lí, Học viện Kiểm sát, Trường cán bộ Tòa án, Học viện Cảnh sát, Học viện Hành chính,  Báo pháp luật Việt Nam…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 7 báo cáo tham luận tập trung vào các vấn đề: Thực trạng pháp luật Việt Nam về ban hành quyết định hành chính; thực trạng ban hành quyết định hành chính; vấn đề bảo đảm tính minh bạch trong quy trình ban hành quyết định hành chính; bảo đảm chất lượng của quyết định hành chính; việc kiểm soát việc sử dụng quyền tự định liệu trong ban hành quyết định hành chính; vấn đề quyết định hành chính vi phạm pháp luật….

Các đại biểu chỉ ra việc ban hành quyết định hành chính ở Việt Nam hiện nay còn một số bất cập như: Một số quyết định hành chính được ban hành chưa đảm bảo tính khả thi, hợp lý; ban hành chưa đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; có tình trạng quyết định sau khi ban hành đã gặp phải phản ứng gay gắt của dư luận xã hội…. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là văn bản pháp lý điều chỉnh vấn đề này vừa “thiếu” vừa “yếu”. Chúng ta chưa xây dựng được khái niệm thống nhất về quyết định hành chính, hình thức của quyết định hành chính, chủ thể ban hành quyết định hành chính; còn thiếu quy định các nguyên tắc cơ bản về việc ban hành quyết định hành chính; thiếu quy định về ủy quyền hành chính; thiếu quy định thống nhất về hiệu lực của quyết định hành chính, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính; thiếu quy định chung về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính làm cơ sở để xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền… Đây cũng chính là những vấn đề mà Luật ban hành quyết định hành chính phải giải quyết. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một cơ chế hiệu quả để bảo đảm tính minh bạch trong quy trình ban hành quyết định hành chính cá biệt; kiểm soát việc thực hiện quyền tự định liệu trong việc ban hành quyết định hành chính.

Nhiều kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc ban hành quyết định hành chính đã được chia sẻ trong bài tham luận “Bảo đảm trách nhiệm giải thích và tính minh bạch trong quá trình ban hành mệnh lệnh hành chính” của GS. Yasuda và những trao đổi của GS. Honda như: Việc quy định trưng cầu dân ý trong thủ tục ban hành quyết định hành chính cùng với sự hỗ trợ của Luật công khai thông tin nhằm nâng cao tính minh bạch của quyết định hành chính; không hạn chế đối tượng có quyền nộp ý kiến đối với dự thảo quyết định hành chính không; xác lập và công bố công khai các tiêu chuẩn thẩm định đối với trường hợp xin cấp phép…

Nhiều vấn đề đã được đại biểu đưa ra thảo luận và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia đến từ Nhật Bản như: Cơ sở nguyên tắc của quyền tự định liệu, chủ thể có quyền kiểm sát việc thực hiện quyền tự định liệu, giới hạn của quyền kiểm soát việc thực hiện quyền tự định liệu; Khi được ban hành Luật ban hành quyết định hành chính sẽ đóng vai trò là luật chung, quyết định hành chính trong từng lĩnh vực được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật đất đai, Luật thương mại… vậy sẽ áp dụng cơ chế giải quyết nào trong trường hợp có sự xung đột giữa các văn bản này như thế nào; Các vấn đề phát sinh và chế độ trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện cơ chế ủy quyền ban hành quyết định hành chính…

Hội thảo được các nhà nghiên cứu, giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Nagoya tranh luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi đối với GS Honda và được trả lời trong tiến trình tổ chức hội thảo. Kỷ yếu hội thảo và kết quả hội thảo là kinh nghiệm quý cho các giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội trong việc giảng dạy các môn học chuyên ngành.

                                                   Quỳnh Hoa