Hôm qua (19/3), dưới sự chủ trì của Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự(BLDS) sửa đổi. Đây là buổi sinh hoạt khoa học thứ 2 được Viện Khoa học pháp lý tổ chức nhằm đóng góp được những ý kiến chất lượng vào quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Tại buổi sinh hoạt này, các phòng, ban chuyên môn của Viện Khoa học pháp lý đã tập trung thảo luận, góp ý về 10 vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân tại dự thảo BLDS sửa đổi, những quy định về quyền nhân thân, bảo vệ người yếu thế, các hợp đồng cần phải được công chứng, quyền tiếp cận thông tin, chế định thừa kế, khái niệm tài sản, lãi suất hợp đồng vay…
Một trong những ý kiến đáng chú ý là đề xuất “Dự thảo BLDS sửa đổi cần bổ sung quyền được chếtvào quy định về quyền nhân thân” của ông Dương Bạch Long, Phó Ban Nghiên cứu pháp luật Hành chính - Nhà nước, Viện Khoa học pháp lý. Theo ông Long, mặc dù đã được nói đến nhiều tại các cuộc hội thảo nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định nào nhằm điều chỉnh trường hợp cá nhân được quyền tìm giải pháp chết một cách thanh thản. Vì vậy, xét về các quy định của pháp luật liên quan đến quyền nhân thân thì dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi nên bổ sung 1 quy định cho phép 1 số trường hợp đặc biệt như bệnh nhân ung thư, những trường hợp bệnh hiểm nghèo… có quyền được chết. Cho rằng đây là một ý kiến mới nhưng ông Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đề nghị ông Dương Bạch Long cân nhắc khái niệm “quyền được chết” có phù hợp với một số trường hợp đặc biệt được tìm đến cái chết một cách nhẹ nhàng hay không. Ông Võ Đình Toàn phân tích, nếu nói “quyền được chết” thì một người bế tắc nhảy lầu tự tử là có quyền được chết. Còn ở đây phải gọi là “quyền an tử”, được giúp đỡ để chết một cách nhẹ nhàng sẽ phù hợp hơn.
Dự kiến, trong tuần tới, Viện Khoa học pháp lý sẽ tiếp tục tổ chức một buổi sinh hoạt khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia để có thêm các ý kiến đóng góp sâu sắc vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Hồng Thuý