Tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 23/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở đã thiết lập một Bộ công cụ với 8 tiêu chí và 41 chỉ tiêu cụ thể để chính quyền cơ sở và người dân có điều kiện tập trung đánh giá một cách có hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất.
Tuy nhiên, theo TS.Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, hiện nay chưa có văn bản nào đề cập và làm rõ nội hàm của khái niệm tiếp cận pháp luật, tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, mặc dù trong chừng mực nào đó, thuật ngữ này đã được đề cập trong một số văn kiện của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước. Song nội hàm của thuật ngữ này cũng chưa được phân tích và làm rõ, ngoài trừ chỉ ra mục đích của việc đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Thực tiễn triển khai Quyết định 09 cho thấy đã nảy sinh những bất cập, vướng mắc, nhất là từ góc độ nhận thức lý luận, thể chế, chính sách đến cơ chế tổ chức thực hiện làm cho việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gặp nhiều khó khăn, thậm chí trở thành hình thức, trùng lắp với việc đánh giá trên một số lĩnh vực khác, tạo gánh nặng cho chính quyền cấp cơ sở, nhất là ngành tư pháp…
Vì vậy, cùng với việc đi sâu thảo luận về thực trạng tiếp cận của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Thái Bình; mô hình tăng cường tiếp cận pháp luật cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số theo kinh nghiệm quốc tế, các đại biểu tham gia Hội thảo cho rằng, cần điều chỉnh lại bộ tiêu chí theo hướng gọn nhẹ hơn, bổ sung các tiêu chí đánh giá từ phía người dân, đề cao tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật và các thiết chế liên quan, hạ bớt các tiêu chí đánh giá về phía Nhà nước./.