Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ; Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Đoàn luật sư TP. Hà Nội; Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước, Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý của 25 địa phương; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Lãnh đạo và công chức Cục Trợ giúp pháp lý. Đồng chí Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Cù Thu Anh khẳng định những kết quả đã đạt được của TGPL từ sau 17 năm thành lập, đặc biệt là từ khi Luật TGPL ra đời. Công tác TGPL trong giai đoạn mới thành lập cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, yêu cầu của xã hội, hợp với lòng dân thông qua việc các Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện hơn 100.000 vụ việc/năm, tuy nhiên, đến giai đoạn phát triển mới thì TGPL cần phải có sự thay đổi. Vì vậy, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu cho Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết 02 năm kết quả thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam nhằm đánh giá thực trạng công tác TGPL và có Báo cáo số 77/BC-BTP ngày 26/3/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Đề án đổi mới công tác TGPL trình Thủ tướng Chính phủ (hiện Đề án đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt). Một trong những mục tiêu của Đề án là: bảo đảm công tác TGPL đi đúng trọng tâm thực hiện cung cấp vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL; bảo đảm chất lượng TGPL do Trợ giúp viên pháp lý cung cấp ngang bằng với dịch vụ của luật sư trên thị trường; bảo đảm chế độ cho Trợ giúp viên pháp lý; bổ sung kinh phí cho TGPL; đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Một trong những giải pháp của Đề án là xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.
Hội nghị đã lắng nghe 13 tham luận của các chuyên gia và đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Trợ giúp pháp lý, Báo Pháp luật Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Trung tâm TGPL nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ghi nhận hơn 10 ý kiến trao đổi xoay quanh cách thức triển khai các nhiệm vụ của Đề án đổi mới và định hướng xây dựng Luật TGPL sửa đổi, cụ thể là: huy động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện TGPL; yêu cầu về chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý; nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL nhằm bảo đảm chất lượng TGPL; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông trong TGPL; mô hình tổ chức TGPL; bảo đảm kinh phí cho công tác TGPL… Về đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, các tham luận và đại biểu đã trình bày và thảo luận làm rõ một số vấn đề liên quan đến tiêu chí tham gia TGPL của các tổ chức, cá nhân; đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; đánh giá các quy định của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc...
Kết quả Hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào việc định hướng cho việc đổi mới công tác TGPL, xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi, hoàn thiện Bộ Tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng vụ việc để đối tượng TGPL được hưởng chất lượng dịch vụ tốt./.
Phòng QLNV và QLCL, Cục Trợ giúp pháp lý