“Đang nỗ lực để chấm dứt yêu cầu bổ sung Phiếu số 2”

13/08/2013
Đó là khẳng định của ông Đặng Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Lý lich tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) khi trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về những vấn đề phát sinh do việc hiểu không đúng tinh thần của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) trong việc yêu cầu cấp Phiếu số 2 hiện nay.

* Do có sự khác nhau giữa Phiếu LLTP số 1 và số 2 nên một số cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân nộp bổ sung Phiếu số 2 mặc dù trước đó họ đã nộp Phiếu số 1 nên gây bất lợi cho người dân. Ông có thể giải thích tại sao phải có hai loại Phiếu LLTP?

Nội dung Phiếu số 1 là về án tích của một cá nhân nên nếu các án tích đã xóa thì sẽ không được ghi nhận trong phiếu số 1. Còn Phiếu số 2 thì ghi toàn bộ các án tích của một cá nhân nên chỉ qui định cấp trong 2 trường hợp (theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ cho hoạt động tố tụng hoặc trong trường hợp công dân muốn biết rõ về LLTP của mình), chứ không nhằm phục vụ cho các mục đích khác như Phiếu số 1. Qui định như vậy để đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo đối với công dân.

Thời gian qua, do chưa hiểu qui định của Luật LLTP nên một số cơ quan đại diện nước ngoài (các đại sứ quán), tổ chức quốc tế ở Việt Nam và cả một số doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải bổ sung Phiếu LLTP số 2 vào hồ sơ làm thủ tục xuất cảnh hoặc định cư ở nước ngoài. Yêu cầu này là không đúng tinh thần của Luật TTP và gây bất lợi cho công dân Việt Nam. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến việc triển khai Luật LLTP gần 3 năm qua và là một trong những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Luật.

Vậy, Bộ Tư pháp xử lý vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi đã phối hợp với Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tiến hành một số hoạt động nhất định để xử lý vấn đề này. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã chuyển cho Cục Lãnh sự một số mẫu Phiếu số 1 để giới thiệu cho các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm giúp họ hiểu tinh thần của Luật, chấm dứt đề nghị công dân Việt Nam bổ sung Phiếu số 2 khi có làm thủ tục xuất cảnh hoặc định cư. Và theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Cục Lãnh sự cũng đã có công hàm gửi đến các nước có đại sứ quán đã và đang yêu cầu công dân Việt Nam bổ sung Phiếu số 2 để đề nghị chỉ yêu cầu Phiếu số 1 trong hồ sơ của công dân Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh sang hoặc định cư tại các nước này.

Nếu các đại sứ quán chưa thống nhất về vấn đề này thì chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Bộ Ngoại giao có những động thái tiếp theo để chính thức giải thích, đảm bảo việc thực thi đúng Luật LLTP.

Bên cạnh đó, theo qui định, việc xin cấp Phiếu số 2 phải trực tiếp, không được ủy quyền cho người khác. Mới đây, Sở Tư pháp TP.HCM đã triển khai mô hình nhận hồ sơ cho người yêu cầu cấp Phiếu số 2 qua bưu điện. Tuy không đúng quy định của pháp luật nhưng mô hình này lại tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục cho người dân. Quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Điều 46 khoản 2 qui định Phiếu số 2 được cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và nếu cá nhân muốn biết rõ về LLTP của mình nên pháp luật không cho ủy quyền xin cấp Phiếu số 2. Điều này hoàn toàn ngược lại với yêu cầu cấp Phiếu số 1 được ủy quyền, thậm chí không nhất thiết phải ủy quyền thì người thân thích (cha, mẹ, anh, em, con, vợ, chồng…) cũng có thể thực hiện yêu cầu cấp Phiếu số 1 hộ.

Việc Sở Tư pháp TP.HCM chấp nhận hồ sơ cấp Phiếu số 2 qua đường bưu điện là do lượng người có yêu cầu ngày càng tăng. Cách làm này tạo điều kiện cho người dân song như tôi đã giải thích, Luật LLTP không qui định như vậy. Do đó, Bộ đang chỉ đạo Sở Tư pháp TP.HCM báo cáo về tình hình này và thực hiện đúng tinh thần của Luật LLTP. Quan trọng nhất là Bộ song song xử lý từ “gốc” của vấn đề bằng cách phối hợp cùng Bộ Ngoại giao giải quyết tình trạng các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt nam yêu cầu công dân Việt Nam bổ sung Phiếu số 2. Vấn đề này được giải quyết sẽ liên hệ được việc của Sở Tư pháp TP.HCM. Chúng tôi sẽ cố gắng xử lý trong thời gian tới với mục đích đảm bảo cho Luật LLTP được thực hiện đúng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong các công việc liên quan đến phiếu LLTP.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Giang (thực hiện)