Chức năng, nhiệm vụ ngày càng được tăng cường
PV: Là một đơn vị tham mưu của Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính có chức năng, nhiệm vụ gì, thưa ông?
*. Ngày 4/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, trong đó Vụ Kế hoạch – Tài chính là một đơn vị tham mưu của Bộ, có nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho cơ quan Bộ, các đơn vị sự nghiệp, Tòa án nhân dân địa phương, Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Ngày 11/8/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 531b/QĐ-TC về việc thành lập Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Bộ Tư pháp. Trải qua quá trình 20 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị có liên quan, các thế hệ công chức Vụ Kế hoạch – Tài chính đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trưởng thành, có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Bộ, Ngành.
Qua nhiều giai đoạn phát triển, chức năng, nhiệm vụ của Vụ trong từng giai đoạn cụ thể có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của Bộ, ngành. Từ 8 nhiệm vụ theo Quyết định số 544/QĐ-TC ngày 24/8/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đến nay, chức năng, nhiệm vụ của Vụ Kế hoạch – Tài chính đã có sự điều chỉnh, bổ sung quan trọng với 19 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, trong đó ưu tiên cho công tác tham mưu có tính chất vĩ mô cho Lãnh đạo Bộ, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác kế hoạch, thống kê; tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.
Cùng với sự điều chỉnh, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Vụ Kế hoạch – Tài chính cũng có sự thay đổi qua từng thời kỳ. Hiện Vụ có 5 Phòng chuyên môn phụ trách các lĩnh vực công tác lớn của Vụ là: Phòng Kế hoạch – Thống kê; Phòng Quản lý ngân sách; Phòng Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; Phòng Quản lý tài sản và Phòng Tổng hợp – Hành chính.
Đội ngũ công chức từng bước trưởng thành
PV: Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, yếu tố con người được Vụ xác định ở vị trí nào trong quá trình phát triển, thưa ông?
*. Chúng tôi luôn xác định yếu tố con người là trung tâm của quá trình phát triển. Nếu như trong năm đầu thành lập, Vụ Kế hoạch – Tài chính tiếp nhận, tuyển dụng 17 công chức từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ thì trong quá trình phát triển 20 năm qua, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã tiếp nhận, bổ sung 43 công chức từ các cơ quan, đơn vị trong, ngoài Bộ và tuyển dụng thông qua thi tuyển, nâng tổng số công chức đã công tác tại Vụ Kế hoạch – Tài chính lên 60 người.
Trong thời gian đầu mới thành lập, đội ngũ công chức của Vụ chủ yếu tốt nghiệp các trường thuộc khối kinh tế và xây dựng, cùng với sự phát triển của Bộ, Ngành thì đội ngũ công chức của Vụ ngày càng có sự đa dạng về nguồn đầu vào, đến thời điểm này, đội ngũ công chức của Vụ được đào tạo tại 12 Trường Đại học khác nhau trong và ngoài nước. Trình độ của đội ngũ công chức không ngừng được nâng cao, có 10 đồng chí có trình độ Thạc sỹ, nhiều đồng chí có 2-3 bằng đại học. Chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện để anh em có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển đội ngũ công chức làm công tác kế hoạch – tài chính tại các đơn vị, coi đó là cánh tay nối dài của Vụ tại các đơn vị dự toán đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức làm công tác kế toán, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác kế toán, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác kế toán và chủ tài khoản về nghiệp vụ quản lý ngân sách, tài sản, kế toán, đầu tư xây dựng cơ bản. Tính đến thời điểm cuối năm 2012, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác kế toán của Bộ Tư pháp đã phát triển tới trên 1.000 người.
Góp phần triển khai có hiệu quả Chiến lược cải cách Tư pháp
PV: Là người gắn bó với Vụ Kế hoạch – Tài chính từ ngày đầu thành lập, lại đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, điều mà ông tâm đắc nhất trong công việc của mình là gì?
*. Niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của những người làm công tác Kế hoạch – Tài chính Bộ Tư pháp 20 năm qua là Vụ luôn chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất của Bộ, Ngành. Việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các đơn vị thuộc Bộ từng bước được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần quan trọng giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vụ cũng đã chủ động xây dựng phương án, trình Bộ trưởng quyết định giao quyền tự chủ về tài chính đối với toàn bộ các đơn vị dự toán thuộc Bộ. Thông qua việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính, hàng năm các đơn vị đều có tiết kiệm kinh phí để chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức, người lao động.
Đặc biệt, trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã chủ trì, xây dựng 05 Đề án về tăng cường cơ sở vật chất theo các giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Bộ Tư pháp giai đoạn 2003-2005; Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc giai đoạn 2006-2010; Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2011-2015; Đề án Xây dựng trụ sở, kho vật chứng cơ quan thi hành án dân sự, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2015... Thực hiện các đề án đã được phê duyệt, đến nay, cơ sở vật chất của Bộ Tư pháp ngày càng được tăng cường, đảm bảo trang thiết bị làm việc theo tiêu chuẩn, nhiều Dự án đầu tư xây dựng lớn đã và đang hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo bộ mặt khang trang, tương xứng với vị thế mới của Bộ Tư pháp.
PV: Được biết, từ năm 2008, Vụ còn được bổ sung chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý về công tác kế hoạch và thống kê của Bộ, ông có thể cho biết những kết quả ban đầu của lĩnh vực này?
*. Kế hoạch là một lĩnh vực quản lý rất mới đối với Bộ, hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh hoạt động lập kế hoạch, hay quy định về hình thức, nội dung, tiêu chí phân loại và đánh giá chất lượng các loại kế hoạch. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm được bổ sung chức năng quản lý công tác kế hoạch của Bộ, thực hiện phương châm chỉ đạo của Bộ trưởng: “Quản lý điều hành phải bằng kế hoạch và trên cơ sở kế hoạch”, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã có nhiều cố gắng, tham mưu giúp Bộ trưởng từng bước củng cố, đổi mới và từng bước đưa công tác này vào nền nếp.
Còn đối với lĩnh vực thống kê, sau khi được giao quản lý công tác này, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án đổi mới công tác thống kê của Ngành Tư pháp. Đề án này đưa ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế về thống kê của Ngành; kiện toàn tổ chức thống kê ở Bộ và đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê ở các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành theo hướng chuyên trách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê… Như vậy đến nay, trừ lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính mới tiếp nhận từ Văn phòng Chính phủ, 19/19 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đều có thông tư điều chỉnh hoạt động thống kê.
PV: Nếu có lời nhắn gửi tới cán bộ, công chức đang làm công tác kế hoạch – tài chính nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Vụ, điều mà ông sẽ nhắn gửi là gì?
*. Nhiệm vụ của Ngành Tư pháp nói chung và Vụ Kế hoạch – Tài chính nói riêng trong thời gian tới hết sức nặng nề, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Vụ Kế hoạch – Tài chính cần đổi mới hơn nữa lề lối làm việc, xây dựng tổ chức vững mạnh, mỗi cán bộ, công chức phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức ngành Tư pháp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thúy (thực hiện)