Pháp sẵn sàng hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam về tư pháp và pháp luật

21/03/2007
Đêm 18/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp CH Pháp Pascal Clément đã rời Hà Nội, kết thúc chuyến thăm và làm việc 5 ngày tại Việt Nam nhân dịp tham dự Phiên họp lần thứ 14 của Uỷ ban Định hướng Nhà Pháp luật Việt-Pháp. Chia sẻ với báo giới trước đó, Bộ trưởng Pascal Clément đã nói rằng ông có những ấn tượng tốt đẹp về năng động và phát triển của Việt Nam.

“Chúng tôi đã có những hoạt động dày đặc trong chuyến thăm Việt Nam lần này và đã có thêm những hiểu biết quý báu về đất nước các bạn. Chúng tôi nhận thấy sự năng động đặc biệt thông qua các cuộc gặp gỡ với các đối tác. Điều đó thể hiện sự mạnh mẽ của Việt Nam. Chuyến thăm lần này của chúng tôi nằm trong khuôn khổ hoạt động của Uỷ ban Định hướng Nhà Pháp luật Việt-Pháp. Sự hợp tác của Nhà Pháp luật Việt – Pháp là công cụ để tăng cường trao đổi và tăng cường các kiến thức vì sự phát triển nền dân chủ cũng như nhà nước pháp quyền. Chúng tôi mong muốn Nhà Pháp luật Việt –Pháp cũng góp phần vào thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp. Có thể nói, sự gắn kết hợp tác giữa hai nước chúng ta chính là luật thành văn. Với phong cách luật thành văn, chúng ta có thể đảm bảo tính chính xác của luật pháp.”

Bộ trưởng Tư pháp Pascal Clément cũng chia sẻ với báo giới: “Trong chuyến thăm này, tôi vui mừng được gặp lại Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu – người mà tôi đã gặp ở Paris. Tôi cảm ơn lời mời thăm Việt Nam của Bộ trưởng và sự đón tiếp nồng hậu mà ông đã dành cho tôi trong chuyến thăm”. Theo ông, qua các cuộc tiếp xúc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông cùng các thành viên trong đoàn hiểu thêm được mong muốn của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với sự hợp tác giữa hai nước Việt – Pháp, cũng như quyết tâm cải cách tư pháp và pháp luật của Việt Nam. Ông nhắc lại rằng, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã khẳng định mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam là mối quan hệ lịch sử, bà Bộ trưởng Phụ trách hợp tác Pháp nhân chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái cũng đã ký kết một hiệp định khung về quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam, trong đó hai bên xác định những lĩnh vực ưu tiên trong quá trình hợp tác.

Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Pascal Clément, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Pháp cuối tuần trước đã ký kết biên bản kết luận Phiên họp lần thứ 14 Uỷ ban Định hướng Nhà Pháp luật Việt – Pháp và Hiệp định thay thế Hiệp định thành lập Nhà Pháp luật Việt-Pháp. Theo đó, hai bên đã quyết định đổi mới những phương thức để điều hành Nhà Pháp luật Việt-Pháp và phương thức hợp tác thông qua việc cập nhật các mục tiêu đặt ra. Những đường hướng chính mà hai bên thoả thuận là trong thời gian tới tập trung đầu tư vào lĩnh vực luật liên quan đến thương mại để giành giật thị trường; tiếp tục duy trì việc thúc đẩy mô hình Nhà nước pháp quyền; phát huy việc đào tạo cán bộ tư pháp; duy trì các mối quan hệ với các trung tâm đào tạo của Pháp. Nhân dịp này, Bộ trưởng Pascal Clément đã có lời mời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu sang Pháp vào đầu năm 2008 để cụ thể các đường hướng đó và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bộ trưởng Pascal Clément nhấn mạnh rằng:  “Hai nước chúng ta có một công cụ hợp tác tư pháp và pháp luật rất hữu hiệu - đó là Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Thông qua Nhà Pháp luật, Pháp đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, chẳng hạn như trong lĩnh vực công chứng: Chúng tôi đã đào tạo 120 cán bộ công chứng cho Việt Nam và giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong quá trình thực hiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến công chứng ở Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết Pháp đóng góp như thế nào vào cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam, Bộ trưởng Pascal Clément nói: “Chúng tôi nhận thấy quá trình cải cách tư pháp mà Việt Nam đang thực hiện là một chương trình có quy mô rất lớn và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam theo yêu cầu của các bạn. Vấn đề là Việt Nam cần đưa ra các đề xuất và lựa chọn cho quá trình hợp tác. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, ví dụ như các ngành nghề hỗ trợ tư pháp mà Việt Nam đang có ý định hình thành trong quá trình cải cách tư pháp. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn. Quan hệ trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Pháp hiện nay có thể nói là đang hết sức tốt đẹp”.

Trong cuộc nói chuyện với các sinh viên luật tại Trường Đại học Quốc gia chiều 16/3, Bộ trưởng Pascal Clément cho biết ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm sao để pháp luật tạo ra được sức thu hút về kinh tế, cũng như đến sự cần thiết phải không ngừng thích ứng hệ thống pháp luật với những đòi hỏi mới của thời đại, đặc biệt là những đòi hỏi của quá trình toàn cầu hoá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông cũng tin tưởng sâu sắc rằng không thể có một mô hình pháp luật duy nhất mà mọi quốc gia đều phải đi theo. Theo ông, không một hệ thống pháp luật nào có thể được coi là đương nhiên cao hơn và ưu việt hơn so với các hệ thống pháp luật khác. “Mỗi hệ thống pháp luật đều có những ưu điểm và nhược điểm, điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không có một hệ thống pháp luật nào có thể tự coi là tuyệt đối và hoàn toàn vượt trội so với các hệ thống pháp luật khác”, Bộ trưởng nói. Ông cũng khẳng định: “Chính vì vậy, mỗi nước chúng ta khi đứng trước sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt đều cần phải ý thức được yêu cầu bảo vệ đến mức cao nhất các tuyền thống và văn hoá pháp lý của riêng mình, đồng thời thúc đẩy những bước phát triển mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài”./.

Thuỷ Thu