Quốc triều hình luật - những giá trị lịch sử và đương đại

19/03/2007
Ngày 17 và 18-3, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Quốc triều hình luật - những giá trị lịch sử và đương đại góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam".
Tham dự, có nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, ; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; các nhà quản lý, nhà khoa học ở T.Ư và địa phương.

"Quốc triều hình luật" là bộ luật quan trọng, không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nội dung tư tưởng rộng lớn, mà còn là cơ sở, nền tảng xây dựng nên nhà nước phong kiến tập quyền thịnh trị triều Lê.

Với 23 tham luận, công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã làm sáng rõ thêm đạo trị quốc, an dân, công cuộc cải cách về luật pháp, hành chính, tư pháp, đấu tranh chống tham nhũng của vua Lê Thánh Tông, nhằm tôn vinh vị vua anh minh, nhà cách tân năng động, sáng tạo trong lịch sử dân tộc. Qua đó, giới khoa học tiếp tục đi sâu phân tích những nội dung, giá trị có thể cần kế thừa, phát huy của "Quốc triều hình luật", góp phần làm tốt hơn nữa công tác lập pháp, hành pháp, rút ra những bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trên nền tảng đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Phát biểu ý kiến tại  hội thảo, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, khẳng định: Quốc triều hình luật là một di sản pháp luật đặc sắc và độc đáo của dân tộc ta. Ðây là bộ luật không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Hội thảo này là dịp để các nhà luật học, nhà sử học, cán bộ quản lý nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng những tư tưởng luật pháp tiến bộ, những bài học, kinh nghiệm quý báu của cha ông ta trong thời đại mới. Ðây cũng là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong bối cảnh đất nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trước hết, cần khẳng định những giá trị lập pháp to lớn của Quốc triều hình luật như là một phương tiện, công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý xã hội, trị vì đất nước với những tư tưởng lập pháp rất gần với tư tưởng pháp luật hiện đại. Sự kết hợp pháp trị với đức trị trong đạo trị quốc, an dân; mối quan hệ giữa pháp luật với phong tục tập quán. Ðặc biệt là những yếu tố đặc sắc về kỹ thuật lập pháp từ cơ cấu Bộ luật đến cách thể hiện về mặt hình thức, quy định rõ ràng, cụ thể từng hành vi, chế tài xử phạt. Từ tổ chức một cách hợp lý bộ máy Nhà nước Trung ương tập quyền đến cải cách hành chính ở địa phương. Việc chấn chỉnh chế độ quan lại đều dựa trên nguyên tắc đề cao phẩm hạnh, đạo đức, chú trọng tài ba, trí tuệ, học vấn.

Ðiều đáng lưu ý là những bài học kinh nghiệm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách toàn diện với những giải pháp đồng bộ, thiết thực thời vua Lê Thánh Tông rất có ý nghĩa đối với việc thực hiện chủ trương chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước ta. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tham khảo để vận dụng những kinh nghiệm có giá trị lịch sử vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Mặt khác, những kinh nghiệm về tổ chức hệ thống tư pháp, về thủ tục tố tụng, với tư cách và phẩm hạnh, đạo đức của những người xét xử bảo đảm cho công lý được thực thi đúng và nghiêm cần được các nhà luật học nghiên cứu một cách sâu sắc, kỹ lưỡng để vận dụng vào cải cách tư pháp ở Việt Nam...

(Theo Nhân dân)