Viện Khoa học pháp lý tổ chức nghiệm thu Đề tài cấp Bộ

02/05/2013
Ngày 26 tháng 04 năm 2013, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức nghiệm thu Đề tài cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân địa phương (góp phần sửa đổi chế định Hội đồng nhân dân trong Hiến pháp năm 1992” do GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội làm chủ nhiệm theo Quyết định số 900/QĐ-BTP ngày 23 tháng 04 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề được đặc biệt quan tâm xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn và để đáp ứng nhu cầu hoàn thiện đồng bộ bộ máy nhà nước và rộng hơn, hệ thống chính trị. Kết quả nghiên cứu đề tài thực sự là những đóng góp có tính tham khảo cho việc lựa chọn phương án tổ chức chính quyền địa phương phục vụ cho quá trình nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương sắp tới.

Với mục tiêu nghiên cứu đề tài là luận giải làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân địa phương ở Việt Nam hiện nay nhằm góp phần sửa đổi chế định Hội đồng nhân dân trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

Đề tài đã tập trung làm rõ các nội dung nghiên cứu sau: Phân tích, luận giải cơ sở lý luận của tổ chức chính quyền địa phương nói chung và Hội đồng nhân dân nói riêng ở nước ta hiện nay; làm rõ thực trạng với những ưu điểm, thành tựu và những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân ở nước ta hiện nay; trình bày và phân tích mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân địa phương trên thế giới và những kinh nghiệm có thể áp dụng vào Việt Nam; đề xuất các phương hướng và giải pháp khoa học đúng đắn và hợp lý về đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân ở Việt Nam.

Các ý kiến của thành viên hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao giá trị khoa học của đề tài nghiên cứu. Đề tài đã giải quyết khá thấu đáo mô hình lý luận về chính quyền địa phương, chính nghiên cứu này đã có đóng góp lớn về mặt lý luận của đề tài. Thông tin nước ngoài của đề tài phong phú, nguồn tư liệu đáng tin cậy, số liệu có trích dẫn rõ ràng. Nhiều kiến nghị của đề tài có tính khả thi, có những kiến nghị đã thể hiện tính mạnh dạn, tính mới của chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, cũng cần phải gia cố thêm để đảm bảo tính thuyết phục.

Ngoài ra, Hội đồng nghiệm thu cũng đã đưa ra những kiến nghị để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu đó là cần xử lý sâu hơn mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân địa phương với cơ quan tư pháp địa phương, bổ sung tiêu chí một cách logic, nhất quán trong đánh giá thực trạng, xử lý thông tin trong báo cáo phúc trình một cách tinh gọn hơn.

Với kết quả nghiên cứu đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá xếp loại đề tài đạt loại Khá.