TS Phan Chí Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội: Thách thức lớn nhất vẫn là yếu tố con người!

23/04/2013
Vừa qua, Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 549/QĐ-TTg. Để đạt được đến kết quả đáng mừng này, cả hai Trường phải trải qua một chặng đường khá dài. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội xung quanh những vấn đề cũng như những giải pháp thực hiện mà Nhà trường sẽ tập trung để triển khai hiệu quả Quyết định số 549/QĐ-TTg, hoàn thành tốt trọng trách mà Thủ tướng giao cho.

Tập trung đầu tư xây dựng sở vật chất

* Xin ông cho biết ý nghĩa của Quyết định số 549/QĐ-TTg trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế?

- Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử phát triển của hai cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất của đất nước ta. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể, một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật, nhằm cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế.

Đối với hai Trường Đại học Luật thì việc Đề án được phê duyệt sẽ tạo điều kiện tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, từng bước mở rộng quy mô đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án còn tạo ra động lực mới cho tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của từng trường quyết tâm phấn đấu xây dựng Trường mình thành trường trọng điểm của quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật.   

* Đề án đã đưa ra mục tiêu tổng quát và rất nhiều mục tiêu cụ thể tương ứng với từng giai đoạn. Nhưng để khái quát nhất thì theo ông, đâu là mục tiêu nổi bật đối với riêng Trường Đại học Luật Hà Nội?

- Mục tiêu nổi bật nhất đối với riêng Trường Đại học Luật Hà Nội là tập trung đầu tư xây dựng sở vật chất, trang bị hiện đại, tiên tiến, ưu tiên xây dựng hệ thống hội trường, phòng học đa năng, thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý. Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện nay của Trường còn nhiều khó khăn; khuôn viên khá nhỏ, không có khu rèn luyện thể chất cho sinh viên. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Trường đang tích cực liên hệ xin đất để xây dựng cơ sở 2, ngoài cơ sở hiện nay tại số 87 Nguyễn Chí Thanh. Đề án được phê duyệt sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc liên hệ xin đất và tiến hành các thủ tục để lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 cho Trường.

Còn giảng viên mang tư tưởng “chân trong, chân ngoài”

* Ngoài các nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản đã được đề cập trong Đề án, Trường Đại học Luật Hà Nội có kế hoạch cụ thể như thế nào để có thể nhanh chóng triển khai Đề án?

 - Đây là một Đề án lớn, việc thực hiện hiệu quả cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân. Để tổ chức triển khai Đề án phải có Ban Chỉ đạo với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, đơn vị liên quan. Cả Đề án tổng thể hai Trường và Đề án của từng Trường đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn phát triển.

Tới đây, Trường Đại học Luật Hà Nội và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, nhất là ở những nội dung liên quan trực tiếp đến Trường. Trường sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đã xác định, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao; kiện toàn mạnh về cơ sở vật chất, kỹ thuật; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo để tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, nghiên cứu pháp luật, xứng đáng là một trường trọng điểm của đất nước.

* Mong ông chia sẻ đâu là những thách thức đối với Trường nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện Đề án này một cách hiệu quả?

- Thách thức lớn nhất vẫn là yếu tố con người. Tính đến năm nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã thành lập được 34 năm. Theo quy luật phát triển thì với khoảng thời gian này, bất kỳ đơn vị nào cũng sẽ diễn ra việc chuyển giao các thế hệ cán bộ. Trường Đại học Luật Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thế hệ các thầy, các cô được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có học hàm, học vị cao, đang nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các đơn vị trong Trường thì đã hoặc chuẩn bị nghỉ hưu. Một số cán bộ có năng lực, học vị cao được điều động lên Bộ Tư pháp hoặc chuyển công tác sang các cơ quan nhà nước khác. Bên cạnh đó, một bộ phận giảng viên chưa thật sự chuyên tâm với công việc của Trường, còn tư tưởng “chân trong, chân ngoài”. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian trước mắt, Trường phải tập trung mạnh vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, với định hướng ưu tiên đào tạo giảng viên ở nước ngoài; có cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu trình độ cao về làm việc cho Trường; tạo điều kiện thuận lợi và có biện pháp khuyến khích cụ thể để phát triển nhanh đội ngũ giảng viên có học vị tiến sỹ, học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Ngoài ra, việc đổi mới cách nghĩ, cách làm sao cho năng động, sáng tạo, hiệu quả, bài bản hơn, tránh sa vào sự tự hài lòng hay kinh nghiệm chủ nghĩa cũng đang là một thách thức lớn đối với Trường. Chính vì vậy, Trường đang quyết tâm thực hiện tốt phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Năng động – Phát triển”.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Thư

Đến năm 2016, hai Trường đào tạo khoảng 22 nghìn sinh viên

Cùng với mục tiêu tổng quát của Đề án là tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, thì mỗi giai đoạn phát triển lại có những mục tiêu cụ thể. Trong đó, giai đoạn từ năm 2013 2016, hai Trường tiếp tục duy trì vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu cơ bản về pháp luật hàng đầu ở Việt Nam. Đến năm 2016, tổng quy mô đào tạo đại học chính quy của hai Trường khoảng 22 nghìn sinh viên; mở rộng quy mô tuyển sinh văn bằng 2, thạc sĩ và tiến sĩ với mức tăng năm sau so với năm trước khoảng 12%, kết hợp nâng cao chất lượng đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học. Cũng trong giai đoạn này, phấn đấu đến năm 2016, đội ngũ giảng viên của hai Trường có khoảng 900 người, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm khoảng 35% - 40% (ưu tiên việc đào tạo giảng viên ở nước ngoài)….

Bước sang giai đoạn từ năm 2017 2020, ngoài việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu của giai đoạn trước, mục tiêu hàng đầu của hai Trường là tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực; tạo được uy tín, danh tiếng trong đào tạo mũi nhọn của từng Trường, trong đó Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định thế mạnh đào tạo những vấn đề lý luận cơ bản, những chuyên ngành về bộ máy nhà nước, luật hành chính, luật hình sự, luật kinh tế, luật thương mại quốc tế, luật dân sự, luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính

 

Mở rộng quy mô kết hợp nâng cao chất lượng đào tạo luật

Đây chính là giải pháp thực hiện đầu tiên mà Đề án đề cập. Cụ thể, mở rộng quy mô đào tạo đại học chính quy và sau đại học, từng bước tăng quy mô đào tạo văn bằng 2 và kết hợp nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học. Không những thế, nghiên cứu và có lộ trình chậm nhất đến năm 2016 có thêm một số ngành hoặc chuyên ngành đào tạo mới trong các lĩnh vực: Sở hữu trí tuệ, Kinh tế học pháp luật, Sư phạm luật, Chính trị học, Quan hệ quốc tế, Hành chính học; đến năm 2020, có 1-2 chuyên ngành và sau năm 2020 có từ 3-4 chuyên ngành đào tạo đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.

Bên cạnh đó, rà soát, cập nhật kiến thức mới và chỉnh lý hệ thống giáo trình hiện có, chun hóa nội dung và sự tương thích giữa giáo trình của các môn học. Tập trung biên soạn một số giáo trình phục vụ giảng dạy các chuyên ngành mới và bổ sung một số môn học chuyên sâu liên quan công tác của ngành Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án. Tổ chức biên soạn một số giáo trình bằng tiếng Anh; tổ chức biên dịch một số giáo trình, sách tham khảo của nước ngoài sang tiếng Việt và dịch một số giáo trình có chất lượng sang tiếng Anh phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên.