Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 ngày 5 tháng 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp tới năm 2020 đã chỉ rõ yêu cầu của tình hình mới là phải: “đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ làm công tác pháp luật… đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu sử dụng, luân chuyển các chức danh tư pháp”; “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng nâng cao và cụ thể hoá tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ”.
Để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ pháp luật ở cơ sở, ngày 25/5/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 889/QĐ-BTP thành lập Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, đặt tại tỉnh Quảng Bình, với mục tiêu đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực pháp luật tại chỗ cho các tỉnh Bắc miền Trung (từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế) và nước bạn Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu nhà trường cùng toàn thể đội ngũ giáo viên Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đang tích cực triển khai Kế hoạch tuyển sinh Khóa 2 năm 2013, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Trong thời gian qua, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; sự giúp đỡ chân tình, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, nhà trường nhận thấy vấn đề tuyển sinh trình độ trung cấp chuyên nghiệp là thách thức và khó khăn lớn đối với các trường trung cấp nói chung và Trường Trung cấp Luật Đồng Hới nói riêng, bởi lý do sau đây:
Thứ nhất: theo rà soát của các đơn vị, đa số đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn, thành phố của các tỉnh Bắc miền Trung đều đã có bằng cử nhân luật hoặc đang theo học các khóa đại học tại chức, từ xa chuyên ngành luật của Trường Đại học Vinh, Đại học Huế, Viện Đại học Mở Hà Nội...
Thứ hai: các tỉnh Bắc miền Trung rất hiếu học nên tỷ lệ thi đỗ các trường cao đẳng, đại học cao hơn so với các địa phương khác; đồng thời tâm lý lựa chọn đầu tiên của gia đình và các em học sinh là các trường đại học và cao đẳng hay các trường dạy nghề trước khi đến với hệ trung cấp luật vì dễ xin việc hơn, thu nhập tốt hơn... Thêm vào đó, hiện nay hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều mở thêm các ngành đào tạo hệ trung cấp và thu hút một lượng lớn học sinh tham gia học.
Thứ ba: Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học rất chặt chẽ, nhất là về thời gian và điều kiện liên thông. Đây là rào cản lớn cho các trường trung cấp trong vấn đề tuyển sinh đầu vào.
Thứ tư: Ngân sách của Trung ương chỉ phê duyệt cho việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đào tạo các ngành nghề mà tại các địa bàn thiếu và cần chứ không có ngân sách dành cho việc đào tạo hệ trung cấp luật.
Để thực hiện kịp thời, thắng lợi Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới:
1. Đề nghị (i) Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc cho phép liên thông trình độ cao đẳng, đại học sớm trước thời hạn 36 tháng như quy định tại Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; (ii) Đề nghị Lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành các tỉnh Bắc miền Trung ưu tiên cử cán bộ, công chức nhất là cán bộ, công chức cấp xã đi học Trung cấp Luật Đồng Hới và ưu tiên tuyển dụng học sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi của Trường.
2. Đề nghị các tổ chức trong hệ thống chính trị như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân... các tỉnh Bắc miền Trung thông báo rộng rãi đến đoàn viên, hội viên của mình trên phạm vi toàn tỉnh được biết để tham gia đăng ký học tập.
3. Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng từ cấp tỉnh đến cấp xã, đặc biệt là Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã các tỉnh Bắc miền Trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân, của đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương trong việc tuyển sinh, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng cán bộ có trình độ trung cấp luật; tăng cường thời lượng và công tác tuyên truyền trên các diễn đàn, các kênh thông tin ở cấp tỉnh và địa phương để các đối tượng có nhu cầu được biết và tham gia đăng ký xét tuyển.
Về phía Nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược tuyển sinh lâu dài và có hiệu quả tại địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung; có kế hoạch làm việc cụ thể với Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường Kỹ thuật, Hướng nghiệp, Dạy nghề, Dân tộc nội trú, Trung học cơ sở… ở cấp huyện để phân luồng cho các em học sinh; tạo mối quan hệ tốt, bền vững với các cơ quan, sở, ban, ngành để tạo cơ hội cho các em học sinh đi thực tế, thực tập về chuyên môn luật, định hướng việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp ra trường; hỗ trợ cho các em nơi ăn, nơi ở; giáo trình, tài liệu; văn nghệ, thể thao; vui chơi, giải trí; may áo đồng phục… bảo đảm sự phát triển lành mạnh và toàn diện cho các em; tuyển chọn và sử dụng đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; cao về học hàm, học vị; trong sáng về đạo đức, lối sống; hiện đại, khoa học về phương pháp giảng dạy; tâm huyết với ngành, với nghề, với sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp “trồng người” của đất nước… góp phần đào tạo nguồn nhân lực trung cấp luật liên thông lên đại học có chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh Bắc miền Trung và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp năm 2013.
Hy vọng rằng, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời từ phía lãnh đạo Bộ tư pháp, các tổ chức trong hệ thống chính trị,các cơ quan thông tin đại chúng, sự cố gắng, tích cực của tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường, trong năm 2013-2014, trường Trung cấp Luật Đồng Hới sẽ tuyển sinh vượt 420 chỉ tiêu được giao, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó./.
TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới