Tọa đàm góp ý Thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm

28/08/2012
Tọa đàm góp ý Thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm
Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Tư pháp, ngày 28/8, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã chủ trì tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm đã không ngừng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch dân sự có bảo đảm bằng tài sản, hỗ trợ tích cực cho việc lành mạnh hóa thị trường vốn. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định về xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn tồn tại một số bất cập như thiếu những văn bản quy phạm hướng dẫn chi tiết xử lý tài sản bảo đảm nên các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn gặp lúng túng khi áp dụng pháp luật, bên nhận bảo đảm chưa có quyền chủ động khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm hoặc người nhận bảo đảm có thể lạm dụng quyền của mình gây thiệt hại đến lợi ích của người bảo đảm…

Để tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho các bên hữu quan trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp cận, thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm một cách hiệu quả, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm.

 

 

Tham gia Tọa đàm có trên 50 đại biểu là đại diện của Sở Tư pháp, Cơ quan thi hành án, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Tọa đàm còn có sự tham gia của một số chuyên gia, giảng viên trong và ngoài nước chuyên ngành dân sự.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, tâm huyết xung quanh vấn đề quan hệ quyền-nghĩa vụ giữa các bên tham gia giao dịch bảo đảm, vai trò của cơ quan công quyền và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết tranh chấp về xử lý tài sản bảo đảm, tăng cường biện pháp đấu giá tài sản bảo đảm. Các chuyên gia về lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm của Nhật Bản cũng đã chia sẻ thông tin về những điểm tương đồng, khác biệt trong hệ thống pháp luật Nhật Bản so với pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này. Kết quả của Tọa đàm sẽ là đầu vào quan trọng cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo thông tư trước khi được ban hành.

Vũ Kim Dung – Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm