Tọa đàm thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long

27/08/2012
Tọa đàm thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long
Ngày 22/8/2012, Cơ quan đại diện của Bộ tại TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tham dự Tọa Đàm có đại diện nhiều ban ngành như: Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau; Lãnh đạo Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Sở Tư pháp (STP) và trưởng phòng nghiệp vụ của 13 STP trong khu vực ĐBSCL; Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Trà Vinh; 11 cán bộ pháp chế của các Sở, ban ngành tỉnh Cà Mau và 02 cơ quan báo đài thuộc Bộ Tư pháp (Tạp chí Dân chủ & Pháp luật và Báo Pháp luật Việt Nam).

Tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều tham luận và ý kiến đóng góp từ các địa phương như: Một số vấn đề cần quan tâm xây dựng thể chế đủ mạnh điều chỉnh công tác theo dõi thi hành pháp luật; Về khái niệm theo dõi thi hành pháp luật hay kiểm tra thi hành pháp luật;  Đối tượng theo dõi thi hành pháp luật chưa được xác định và kết quả xử lý khi phát hiện đơn vị sai phạm…

Qua Tọa đàm, các địa phương đã nêu ra một số kiến nghị như: Nên có thông tư hướng dẫn Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực thi hành từ 01/10/2012;  Đầu năm, Bộ nên quy định cơ chế xác định lĩnh vực trọng tâm theo vùng, miền để các sở triển khai theo dõi; Cần có hướng dẫn rõ ràng về cách thức triển khai, tiêu chí theo dõi, đánh giá tình hình theo dõi thi hành pháp, luật định hình khung chung; Cần có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các đơn vị; Cần có quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về tổ chức, biên chế, kinh phí và bố trí nguồn kinh tế; Tổ chức lồng ghép vài buổi tập huấn.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - đồng chí Trần Văn Đạt đánh giá cao những ý kiến đóng góp cũng như những kết quả bước đầu mà các địa phương ĐBSCL đã đạt được. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng do mới nên còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện công tác này vẫn còn thiếu sự phối hợp và chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan đơn vị, Sở, ban, ngành bởi công tác này rất rộng. Kể từ ngày 1/10/2012, khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước được thực hiện thì công tác này sẽ có nhiều bước tiến mới.

Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Lê Tiến Châu - Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM nhấn mạnh: Do đây là lĩnh vực mới của Ngành nên còn nhiều điều phải làm. Dù còn lúng túng, khó khăn, nhưng với sự cố gắng và nỗ lực cao nên các địa phương từng bước vượt qua các khó khăn, đã có nhiều cách làm mới, hay và hiệu quả. Điều này là rất đáng trân trọng, góp phần nâng cao vị thế của Ngành Tư pháp. Do đó, để công tác này hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới, ngoài việc xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện, các địa phương cũng cần tìm ra những cách làm hay, sinh động, sáng tạo và chính xác cho riêng mình.

Thùy Dung - Văn phòng CQĐD BTP