Tham dự Tọa đàm, về phía các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có đại diện Toà án nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Về phía đại diện các cơ quan ở địa phương có Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lạng Sơn; Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp; đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận (Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang và Thái Nguyên); đại diện các tổ chức Hiệp hội, doanh nghiệp; đại diện Báo, Truyền hình tỉnh Lạng Sơn.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều đánh giá việc ban hành Luật TNBTCNN có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, Việt Nam đã luật hóa quyền của tổ chức, cá nhân được Nhà nước bồi thường khi bị người thi hành công vụ gây thiệt hại trong quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Nhìn chung sau gần 03 năm thi hành, công tác triển khai thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện nghiêm túc với nhiều phương thức tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình của từng địa phương, góp phần tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong quá trình thi hành công vụ. Đặc biệt, tại Tọa đàm, các cơ quan đã hoặc đang trực tiếp thực hiện việc giải quyết bồi thường và phối hợp thực hiện việc giải quyết bồi thường cũng đã trao đổi, thảo luận về thực tiễn hình hình yêu cầu và giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan mình cũng như những kinh nghiệm, bài học rút ra từ việc giải quyết yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại.
Bên cạnh những điểm tích cực, các đại biểu cũng đã phản ánh về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn như: Một số trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ nhưng chưa kịp thời được giải quyết vì phải chờ thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hay việc giải quyết bồi thường thường kéo dài do chưa được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường…Việc bố trí biên chế làm công tác bồi thường nhà nước của các Sở ngành, địa phương hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn; việc lập dự toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường do chưa có sự thống nhất nhận thức giữa cơ quan Tư pháp và Tài chính ở địa phương (nhất là cấp huyện); về nhận thức pháp luật, vẫn còn một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa biết đến Luật TNBTCNN và quyền được bồi thường của mình theo quy định của Luật…
Về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường, qua trao đổi, hiện có 3 địa phương có phát sinh vụ việc là Tuyên Quang, Bắc Giang và Lạng Sơn. Nhìn chung, một nửa số vụ việc nêu trên đã được giải quyết xong và còn lại đang trong quá trình giải quyết. Các đại biểu cũng thống nhất đưa ra nhận định, theo đó, dự báo số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường sẽ tăng lên đáng kể khi nhận thức pháp luật về bồi thường nhà nước của người dân, tổ chức và doanh nghiệp được nâng cao trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả triển khai thi hành Luật TNBTCNN trong thời gian tới, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau: Cần tăng cường, thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về bồi thường để góp phần thúc đẩy hoạt động giải quyết bồi thường, đưa Luật TNBTCNN tới người dân hơn nữa; sửa đổi, bổ sung một số các quy định của Luật TNBTCNN nhằm đổi mới cơ chế bồi thường theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay; Bộ Tư pháp cần có sự phối hợp với Bộ Nội vụ và UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc bố trí biên chế cho các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở xác định vị trí việc làm đối với các nhiệm vụ ngành Tư pháp được giao thêm. Bên cạnh đó, một số địa phương kiến nghị để công tác bồi thường được triển khai chất lượng và hiệu quả thì nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nên giao cho bộ phận Thanh tra Sở Tư pháp hoặc Phòng chuyên môn thực hiện công tác kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật thay vì giao cho phòng Hành chính – Tư pháp như hiện nay; Cần có chính sách đãi ngộ cho người làm công tác bồi thường để thu hút những người có năng lực; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để các cá nhân, tổ chức được tiếp cận và nắm rõ các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước, từ đó có ý thức trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình...
Lê Thái Phương