Tọa đàm “Hiệu lực, nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự và chủ thể”

02/06/2011
Ngày 31/5/2011, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Dự án JICA Nhật Bản tổ chức Tọa đàm thảo luận những nội dung liên quan đến “Hiệu lực, nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự (BLDS) và chủ thể”. Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia dài hạn của Dự án JICA Nhật Bản và các đồng chí trong Tổ biên tập BLDS sửa đổi, đại diện của các cơ quan hữu quan như: Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc Hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa luật Đại học Quốc Gia Hà Nội,….

Tại Tọa đàm, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan đến sửa đổi phần chung của BLDS năm 2005. Trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như: quyền giải thích pháp luật của thẩm phán, giám hộ người có năng lực hành vi dân sự hạn chế và người chưa thành niên, án lệ,….

Các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ: “BLDS Nhật Bản có tuổi thọ cao hơn 100 năm cũng nhờ thẩm phán Nhật Bản được trao quyền giải thích pháp luật”. Tuy nhiên, việc giải thích pháp luật có thể thực hiện theo phương thức lồng ghép vào quá trình nhận định tình tiết vụ việc mà không nhất thiết phải giải thích một cách trực diện. Bởi lẽ nếu đã trao cho thẩm phán quyền giải thích pháp luật thì những giải thích mang tính chính thức của các thẩm phán sẽ có tầm ảnh hướng rất lớn. Đó sẽ là một điều bất lợi khi trình độ và năng lực của thẩm phán còn hạn chế, đưa ra những giải thích sai lầm.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định bảo vệ bên tham gia giao dịch với người chưa thành niên. Chúng ta chỉ đứng dưới góc độ người vị thành niên và người đại diện của người vị thành niên. Điều này gây nên sự bất an cho người tham gia giao dịch với người vị thành niên. Ngoài ra, các chuyên gia Nhật Bản cũng chia sẻ thêm một điểm khác biệt nữa giữa pháp luật Việt Nam và Nhật Bản đó là ở Nhật Bản không áp dụng cơ chế giám hộ đương nhiên. Giải thích cho điều này, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng: “việc quy định giám hộ đương nhiên làm hạn chế việc có những người làm giám hộ tốt hơn có thể làm giám hộ cho người đó. Vì vậy Nhật Bản sử dụng cơ chế người giám hộ theo chỉ định của Tòa án chứ không có giám hộ đương nhiên”.

Đối với vấn đề án lệ, ở Nhật Bản có một quy tắc xét xử đó là thẩm phán khi xét xử phải tuân theo án lệ của Tòa án tối cao. Mục đích của việc này để đảm bảo công bằng, ổn định và tính dự đoán trước của luật. Vì nếu các vụ tranh chấp có nội dung tương tự nhau được xét xử ở các Tòa án khác nhau, đưa ra những phán xét khác nhau sẽ tạo ra sự không công bằng cho các bên đương sự. Hơn nữa, sự ổn định và an toàn của các bên sẽ được đảm bảo khi họ có thể dự đoán được thẩm phán sẽ áp dụng pháp luật theo hướng nào. Vấn đề này hiện nay đang có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều cần được tiếp tục nghiên cứu và thảo luận.

Kết thúc buổi Tọa đàm, các trao đổi, thảo luận giữa chuyên gia Nhật Bản và đại biểu tham dự đã đem lại nhiều thông tin thiết thực và hữu ích, phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Dự thảo BLDS sửa đổi hiện nay.

Phạm Giang