Giám định trong tố tụng dân sự: Không cần qua cơ quan tố tụng?

27/05/2011
Giám định trong tố tụng dân sự: Không cần qua cơ quan tố tụng?

* Đương sự trong vụ án dân sự được quyền yêu cầu trực tiếp giám định tư pháp để phục vụ việc giải quyết vụ án.

* Cho phép Giám định viên Tư pháp (không phải là công chức, viên chức) được thành lập Văn phòng Giám định tư pháp.

Đây là hai điểm mới được đưa ra tại Tạo đàm về Dự thảo Luật Giám định Tư pháp được Nhà Pháp luật Việt Pháp phối hợp với Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức trong hai ngày 26,27/5/2011.

Đương sự tự tìm chứng cứ thông qua giám định

Ông Nguyễn Khái Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp thừa nhận tại Tọa đàm: hiện còn nhiều điểm nghẽn trong Giám định Tư pháp đang làm ảnh hưởng đến việc giải quyết nhiều vụ án mà pháp luật hiện hành không gỡ được.

Ông Hưng cũng cho biết, tinh thần chung của Luật xây dựng lần này là xã hội hóa hoạt động giám định, trong đó nổi bật là nội dung về quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự và cho phép thành lập các tổ chức giám định ngoài công lập (văn phòng Giám định Tư pháp).

Giải thích thêm về hai nội dung này, theo bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Quản lý công chứng, Giám định Tư pháp (Vụ Bổ trợ tư pháp) thì với tinh thần của cải cách tư pháp hiện nay, cần phải cho phép các bên đương sự có quyền tự mình trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn thực hiện giám định như một phương cách tìm kiếm chứng cứ để thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự. Và dự thảo Luật đã quy định theo hướng này, đồng thời cũng quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của đương sự.

Cần nói thêm rằng, vấn đề mở rộng quyền yêu cầu giám định trước đây đã được đặt ra tuy nhiên chưa thể thành hiện thực vì nhiều quan điểm trái chiều. Do đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa cho phép đương sự được quyền trực tiếp yêu cầu mà tất cả đều phải qua trưng cầu của cơ quan tố tụng. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định nêu trên tuy nhiên đề nghị cần rà soát để tránh “vênh” so với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Giảm tải gánh nặng cho nhà nước

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho bộ máy, cho ngân sách nhà nước và tăng cường hoạt động giám định phục vụ cho hoạt động tố tụng, việc cho phép Giám định viên Tư pháp (không phải là công chức, viên chức) được thành lập tổ chức Giám định Tư pháp ngoài công lập (Văn phòng Giám định Tư pháp) để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng và nhu cầu giám định ngoài tố tụng. “Nội dung này qua nhiều lần dự thảo được sự nhất trí cao của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan”, bà Nguyễn Thị Thụy cho biết thêm.

Tuy nhiên, dưới góc độ những người làm công tác giám định, ủng hộ chủ trương này nhưng nhiều Giám định viên cho rằng, cần phải tính toán đến câu chuyện về con người (cụ thể là Giám định viên). Những người có tiêu chuẩn như thế nào sẽ được lập Văn phòng? Rồi chuyện bỏ nhà nước ra lập Văn phòng tư có phải bổ nhiệm lại? Cơ sở vật chất của các Văn phòng này sẽ ra sao. Dẫn chứng một vài ví dụ từ mô hình Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, nhiều ý kiến đề nghị các quy định phải được cụ thể hóa ngay trong Luật để tránh tình trạng thành lập “nóng”, hoặc Giám định viên không đủ năng lực dẫn đến nhiều hệ lụy khác….

Huy Hoàng

Về chế độ, chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức Giám định Tư pháp, ngoài các chế độ như pháp luật hiện hành quy định, dự thảo Luật Giám định Tư pháp còn quy định thêm: đối với đội ngũ Giám định viên chuyên trách hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì có chế độ ngạch bậc lương riêng, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, chế độ phụ cấp thâm niên và chế độ khác (nếu có); đối với tổ chức Giám định Tư pháp ngoài công lập được hưởng chế độ ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế và các chính sách khác theo quy định của Chính phủ áp dụng cho các tổ chức xá hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao….