Kết quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em tại các địa bàn thí điểm trên toàn quốc

25/05/2011
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, từ việc chăm sóc, giáo dục về thể chất và tinh thần đến việc bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng của các em. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 148/CT-TTg ngày 01/9/2009 về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-BTP ngày 18/01/2010 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị trên và Cục trưởng Cục TGPL đã ký Quyết định số 11/QĐ-TGPL ngày 26/3/2010 về Kế hoạch tăng cường hoạt động TGPL cho trẻ em, đồng thời chọn 09 tỉnh, thành phố trong toàn quốc thực hiện điểm bao gồm: Điện Biên, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng, Cà Mau, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động TGPL cho trẻ em trên địa bàn cả nước đã có những chuyển biến nhất định, đặc biệt là 09 tỉnh, thành phố thực hiện điểm theo Quyết định số 11 và kết quả đạt được tương đối tích cực và cụ thể như sau:

Về kết quả thực hiện TGPL cho trẻ em

Việc triển khai thực hiện Quyết định số 11/QĐ-TGPL đã được hầu hết các Trung tâm tham gia thí điểm tham gia phối hợp và có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc chủ động tiếp cận và kịp thời thực hiện TGPL với các yêu cầu TGPL của trẻ em. Trong năm 2010, tại 09 Trung tâm thực hiện thí điểm đã tham gia thụ lý và giải quyết hoàn thành được 8735 vụ việc TGPL cho các đối tượng là trẻ em. Trong 8735 vụ việc được thực hiện có: 8.343 vụ việc được thực hiện dưới hình thức tư vấn pháp luật (chiếm 95,5% tổng số vụ việc thực hiện),  391 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 4,4% tổng số vụ việc), còn lại 01 vụ việc kiến nghị thì hành pháp luật liên quan đến trẻ em. Ngoài việc thực hiện các vụ việc để nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ quyền trẻ em, các Trung tâm này đã tổ chức các buổi TGPL lưu động về cơ sở với nội dung phổ biến các quy định của pháp luật về quyền trẻ em nói chung và quyền được TGPL của trẻ em nói riêng, thu hút gần 3500 lượt người tới tham dự.

Trong tổng số các vụ việc TGPL do các Trung tâm thực hiện được một số vụ việc về bạo hành trẻ em được các trang thông tin đại chúng đăng tải nhiều và đã mang lại hiệu quả tích cực được dư luận và xã hội quan tâm, ủng hộ như: vụ cháu Nguyễn Như Ý (ở Đồng Tháp), vụ cháu Nguyễn Hào Anh (ở Cà Mau), vụ cháu Hồ Thị Thúy Ngân (ở Bình Dương)… Những vụ việc này đã được các Trung tâm TGPL nhà nước cử người trực tiếp gặp gỡ và thực hiện TGPL, góp phần tích cực để Tòa án ra các bản án đúng pháp luật, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu.

Về công tác quán triệt Chỉ thị 1408/CT-TTg, Quyết định số 418/QĐ-BTP và tập huấn kỹ năng TGPL cho trẻ em cho Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên pháp lý

Tại 07/09 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm các Trung tâm đã tổ chức 10 Hội nghị tập huấn cho hơn 2000 lượt trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL tham dự, trong các buổi tập huấn chủ yếu tập trung đi sâu vào việc quán triệt mục đích, yêu cầu và nội dung của Chỉ thị số 1408/CT-TTg, Quyết định số 418/QĐ-BTP và các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em; hơn 2000 học sinh được phổ biến các quy định của pháp luật và các vấn đề có liên quan đến trẻ em… Riêng Trung tâm TGPL nhà nước TP HCM đã kết hợp lồng ghép tập huấn kỹ năng TGPL cho trẻ em trong các buổi giao ban cộng tác viên, đây là cách làm sáng tạo, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa thuận lợi cho cộng tác viên và đạt hiệu quả cao.

Công tác truyền thông về quyền của trẻ em và pháp luật về TGPL cho trẻ em

Các Trung tâm đã chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức truyền thông về quyền của trẻ em nói chung và quyền được TGPL của trẻ em nói riêng như sau: đã có 04/09 Trung tâm (Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nội, Lâm Đồng) phối hợp với Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh mở các chuyên mục để tư vấn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến pháp luật về trẻ em, giới thiệu các Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật về quyền trẻ em…; có 06/09 Trung tâm (TP.HCM, Hà Nội, Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thái Bình) in ấn và phát hành hơn 21.000 tờ rơi, tờ gấp với nội dung là các quy định của pháp luật liên quan đến quyền trẻ em và các quy định của pháp luật TGPL về trẻ em; 02/9 Trung tâm (TP.HCM, Thái Bình) mở đường dây nóng về TGPL cho trẻ em để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em được giải đáp kịp thời có vướng mắc về pháp luật liên quan đến trẻ em.

Công tác phối hợp với cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan tiến hành tố tụng… trong  việc thực hiện TGPL cho trẻ em

Việc phối hợp với các cơ sở giáo dục và đào tạo: Các Trung tâm đã chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi TGPL lưu động, nói chuyện chuyên đề về các quy định của pháp luật liên quan đến trẻ em cho hơn 2000 học sinh. Tại các buổi TGPL lưu động, các Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp viên pháp lý ngoài việc tuyên truyền, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em…. Hoạt động này đã được các Trung tâm thực hiện có hiệu quả nên được Ban Giám hiệu các trường học đánh giá cao và qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật do thiểu hiểu biết của các em.

Việc phối hợp với các cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội: 03/09 Trung tâm (TP.HCM, Cà Mau, Đồng Tháp) đã chủ động phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh để tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật TGPL cho trẻ em, ngăn ngừa hành vi phạm tội của trẻ em. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở bảo trợ xã hội để chủ động tiếp cận, tiếp nhận các trường hợp có vướng mắc pháp luật cần được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em.

Hoạt động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng: Cùng với việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 thì 08/9 Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan này để thực hiện tốt hơn việc TGPL cho trẻ em qua việc tổ chức phổ biến, quán triệt cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán các quy định của Luật TGPL nói chung và quy định về TGPL cho trẻ em nói riêng.

Chất lượng vụ việc TGPL đối với các vụ việc TGPL cho trẻ em được các trung tâm TGPL tham gia thí điểm tham gia đã quán triệt yêu cầu nhanh chóng, tiếp cận và bảo vệ một cách kịp thời tốt nhất các quyền và lợi ích của trẻ em nên chất lượng các vụ việc TGPL cho trẻ em đã được đa số các Trung tâm chú trọng. Đặc biệt các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm phân công các Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là Luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để thực hiện việc TGPL. Bên cạnh đó, các Trung tâm cũng tạo các điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí, phương tiện đi lại để các Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là Luật sư hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy qua đánh giá chất lượng vụ việc tại 06/09 Trung tâm: TP.HCM, Hà Nội, Thái Bình, Lâm Đồng, Quảng Trị, Cà Mau, phần lớn các vụ việc TGPL cho trẻ em đều đạt chất lượng tốt theo quy định của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg, Quyết định số 418/QĐ-BTP, Quyết định số 11/QĐ-TGPL, đa số các Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động xây dựng Kế hoạch và nội dung các biện pháp cần thiết để tăng cường số lượng, chất lượng vụ việc TGPL cho trẻ em. Trong quá trình triển khai, các Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Cục TGPL; sự chỉ đạo của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố; sự quan tâm, phối hợp của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương. Hoạt động truyền thông, quán triệt các quy định pháp luật về TGPL cho trẻ em đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề TGPL cho trẻ em, về các quyền của trẻ em và trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Số lượng các vụ việc liên quan đến trẻ em được TGPL ngày càng tăng, chất lượng các vụ việc cơ bản đáp ứng yêu cầu. các vụ việc TGPL cho trẻ em không chỉ giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em mà còn tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương, hoạt động TGPL cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức của người dân về quyền trẻ em và quyền được TGPL của trẻ em còn hạn chế; một số cơ quan có liên quan chưa thực sự quan tâm đến việc phối hợp thực hiện TGPL cho trẻ em; năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của một số bộ phận Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng vụ việc TGPL cho trẻ em còn nhiều hạn chế; nguồn kinh phí dành cho hoạt động này cũng bị thu hẹp và mức độ bồi dưỡng cũng thấp hơn trước vì vậy không khuyến khích được sự tận tâm, nhiệt tình của các cộng tác viên khi thực hiện TGPL cho trẻ em.

Sau khi Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 267/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. Theo Quyết định này, nhiều giải pháp đã đặt ra để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như: xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, dự án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em… đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương đề xuất, triển khai các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Minh Loan - Cục TGPL