Trong hai ngày 12-13/5/2011, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế phối hợp với Nhà pháp luật Việt - Pháp tổ chức Tọa đàm về Bộ luật Dân sự sửa đổi với sự tham gia của hai chuyên gia người Pháp là ông Michel Grimaldi, giáo sư trường Đại học Paris II và ông Alain Lacour, Trường Thẩm phán quốc gia, Cộng hòa Pháp. Tọa đàm đã diễn ra sôi nổi trên cơ sở trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng pháp luật dân sự giữa hai nước và góp ý vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi của Việt Nam.
Đến tham dự Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã nêu vắn tắt quá trình hình thành BLDS Việt Nam qua các thời kỳ, từ đó cho thấy việc sửa đổi BLDS là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh những quan hệ dân sự phát sinh trong tình hình mới hiện nay. Tuy nhiên những sửa đổi này phải dựa trên cả lý thuyết và từ thực tiễn; những quy định, chế định nào không phù hợp sẽ loại ra còn những chế định không thể thiếu trong BLDS thì vẫn được giữ nguyên. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đặt ra yêu cầu xây dựng một BLDS có khả năng bao quát rộng, sức ảnh hưởng lâu dài để tránh tình trạng sửa đổi thường xuyên, làm hạn chế giao lưu dân sự và cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong hai ngày diễn ra Tọa đàm, các chuyên gia từ hai phía Việt Nam và Pháp đã thảo luận hăng say, tập trung phân tích, đối chiếu và đưa ra nhận xét thẳng thắn vào Dự thảo BLDS sửa đổi của Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phần cấu trúc, tài sản và sở hữu của BLDS. Với cấu trúc 5 phần và 28 chương, Dự thảo BLDS sửa đổi đã thay đổi một cách cơ bản so với cấu trúc của BLDS hiện hành. Năm phần chính của BLDS sửa đổi gồm có phần quy định chung, vật quyền, trái quyền, thừa kế và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Các chuyên gia Pháp cũng đã đánh giá cao sự thay đổi này và nhận xét sự phân chia của Dự thảo BLDS Việt Nam rất mạch lạc và xúc tích. Tuy nhiên, tên gọi “phần quy định chung” dường như quá ôm đồm vì theo thông thường ở mỗi phần nên có một phần quy định chung riêng. Ngoài ra, bên cạnh việc bình luận từng chương của Dự thảo BLDS sửa đổi, các chuyên gia hai phía cũng trao đổi thông tin pháp luật và thảo luận rất nhiều các vấn đề quan trọng cũng như đang gây nhiều tranh cãi hiện nay như: dịch quyền, chiếm hữu, chuyển giao quyền sở hữu và một số hình thức sở hữu, đồng sở hữu và tài sản không phân chia,….
Kết thúc Tọa đàm, các chuyên gia hai phía Việt Nam và Pháp đều nhận thấy đã học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm xây dựng luật cũng như hoạt động thực tiễn của nước bạn. Qua đó bày tỏ mong muốn sẽ được tham dự nhiều buổi Tọa đàm hữu ích hơn nữa để có thể nâng cao sự hiểu biết cũng như kỹ năng xây dựng pháp luật, phục vụ hiệu quả nhất cho việc sửa đổi BLDS Việt Nam hiện hành.
Phạm Thu Giang