Vừa qua, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Dự án JICA tổ chức toạ đàm về một số định hướng trong sửa đổi cơ bản Bộ luật Dân sự 2005 tại trụ sở Bộ Tư pháp. Thành phần tham dự bao gồm các thành viên Tổ Biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự, các đại diện từ một số cơ quan khác như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học quốc gia…. Về phía Nhật Bản có ông Nishioka, cố vấn trưởng Dự án JICA và một số chuyên gia Nhật Bản khác.
Nội dung chủ yếu của toạ đàm giới thiệu những định hướng cơ bản trong việc sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005 bao gồm các quy định về vật quyền, trái quyền, hộ gia đình, chủ thể là các tổ chức, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu thừa kế, di chúc chung của vợ chồng.... Các chuyên gia Nhật Bản và các chuyên gia Việt Nam đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những nội dung cơ bản cần phải được sửa đổi trong BLDS 2005, kinh nghiệm và pháp luật của Nhật Bản trong các vấn đề này. Đồng thời, Bộ luật Dân sự Campuchia cũng là một nội dung được đề cập trong Tọa đàm như là một văn bản mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự. Các chuyên gia dài hạn của Dự án JICA Nhật Bản đã bình luận một số nội dung chính sau: Những quy định chung và những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự; Pháp nhân; Hộ gia đình; Các quy định về đại diện, đặc biệt cần làm rõ đại diện bề ngoài; Thời hiệu bao gồm thời hiệu hưởng quyền dân sự và miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện; Vật quyền; Nghĩa vụ dân sự và việc không thực hiện nghĩa vụ dân sự; Thực hiện hợp đồng và huỷ bỏ hợp đồng; Giao dịch bảo đảm; Hôn nhân thực tế…
Nhìn chung, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, Bộ luật Dân sự cần phải được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi mang tính toàn diện. Cụ thể về các vấn đề nêu trên, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều điểm cần phải được sửa đổi. Những quy định chung hay những nguyên tắc cơ bản của BLDS cần phải thiết kế lại theo hướng BLDS là luật tư, chỉ điều chỉnh các mối quan hệ giữa tư nhân với nhau chứ không điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân. Một số quyền cơ bản của công dân mà hiện nay đang được quy định trong Bộ luật nên được khẳng định trong Hiến pháp vì đó là các quyền cơ bản của con người. Các vấn đề về pháp nhân hay hộ gia đình cũng cần phải quy định cụ thể như thời điểm thành lập pháp nhân, các thành viên hộ gia đình để tạo điều kiện thuận tiện cho các giao dịch dân sự. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ luật nên phân biệt rõ các chế định về vật quyền, trái quyền và mối quan hệ giữa chúng. Các quy định về việc thực hiện hợp đồng, trách nhiệm do chậm thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng cần phải quy định chặt chẽ, logic. Các quy định về giao dịch bảo đảm, thừa kế, hôn nhân thực tế, thừa kế… cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp.
Sau khi kết thúc những bình luận đối với các vấn đề nêu trên của Bộ luật, các chuyên gia Nhật Bản và các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã thống nhất cho rằng trong thời gian sắp tới một số vấn đề khác cũng cần được nghiên cứu để tổ chức thành những toạ đàm chuyên sâu như các vấn đề về thời hiệu, giao dịch bảo đảm, thừa kế, vấn đề ngay tình trong giao dịch động sản và bất động sản....
Nguyễn Thị Hạnh