Ban cán sự Đảng ban hành Đề án đổi mới cơ chế tuyển chọn, thu hút và đổi mới chế độ chính sách đối với cán bộ Bộ Tư pháp đến năm 2015.

29/12/2011
divXây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng và có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tư pháp luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đội ngũ cán bộ cũng đã bộc lộ những hạn chế. Đặc biệt là chuyển sang giai đoạn thực hiện nhiệm vụ mới, Bộ Tư pháp đang đứng trước sự chuyển tiếp giữa hai thế hệ cán bộ và thực tế đã cho thấy có sự hẫng hụt trong sự chuyển tiếp thế hệ này. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế thị trường với những chi phối và tác động của các vấn đề kinh tế và lợi ích cá nhân  cũng đặt Bộ Tư pháp trước những thách thức nhất định trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là việc thu hút và giữ chân cán bộ. Số liệu thống kê đã cho thấy trong khi số lượng cán bộ dự tuyển có xu hướng giảm thì số lượng cán bộ của Bộ xin thôi việc, xin chuyển công tác có xu hướng tăng./div

Với mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ của Bộ trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác tư pháp trong thời kỳ mới”, ngày 28/12/2011, Bí thư Ban cán sự Đảng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 115-QĐ/BCS ban hành Đề án đổi mới cơ chế tuyển chọn, thu hút và đổi mới chế độ chính sách đối với cán bộ Bộ Tư pháp đến năm 2015.

Các giải pháp được xây dựng theo quan điểm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của công chức và lợi ích của cơ quan, theo các bước để bảo đảm thu hút, giữ chân cán bộ và tạo điều kiện để cán bộ phát triển. Những giải pháp chính bao gôm:

- Thực hiện quảng bá về hình ảnh hoạt động của Bộ Tư pháp đến các đối tượng tuyển dụng, đặc biệt là chú ý đến việc quảng bá hình ảnh, vai trò của Bộ Tư pháp đến với nguồn nhân lực có chất lượng cao như sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nước ngoài, có kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Bộ và cải tiến hình thức tuyển dụng, đổi mới nội dung thi  tuyển là các giải pháp được xác định để đổi mới cơ chế tuyển chọn, thu hút cán bộ. Theo đó, Bộ sẽ có kế hoạch thường xuyên để tiếp nhận sinh viên đến thực tập, học việc; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó dành một phần nhất định cho sinh viên tham gia vào những hoạt động nghiên cứu phù hợp với năng lực, trình độ trên cơ sở giới thiệu, đề xuất của Nhà trường; thực hiện việc tổng hợp và thông tin đến sinh viên về nhu cầu tuyển dụng cán bộ của Bộ, các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tư pháp địa phương.

- Nghiên cứu đề xuất việc áp dụng hình thức thi tuyển đặc thù cho Bộ Tư pháp gắn với cam kết công tác lâu dài (ít nhất là 5 năm) trong Bộ Tư pháp, đặc biệt là đối với các cơ quan thi hành án dân sự ở những khu vực có khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ. Phân loại đối tượng tuyển dụng thành các nhóm khác nhau và chỉ áp dụng hình thức thi tuyển đối với những sinh viên tốt nghiệp loại trung bình. Đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, tiến sỹ thì có thể tuyển dụng không qua thi tuyển; đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, thạc sỹ thì áp dụng chế độ xét tuyển.

- Bảo đảm vận dụng các chế độ, chính sách đúng quy định của pháp luật, theo hướng có lợi nhất cho cán bộ. Thực hiện việc nâng bậc lương trước thời hạn theo đúng quy định, nghiêm túc, khách quan; tổ chức triển khai và áp dụng ngay quy định về thi nâng ngạch theo cơ chế cạnh tranh. Triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ theo nguyên tắc cạnh tranh, lựa chọn người có đức, tài, bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, tiến tới xây dựng quy chế thi tuyển, vị trí lãnh đạo để mở rộng, áp dụng thống nhất trong cơ quan thuộc ngành Tư pháp.

- Xây dựng trình cấp có thẩm quyền các Đề án về tiền lương và thu nhập đặc thù đối với cán bộ của Bộ Tư phápbảo đảm tất cả các hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ đều được hưởng phụ cấp ưu đãi hoặc đặc thù.

- Quan tâm đến việc cải thiện môi trường và điều kiện làm việc. Định kỳ hàng năm thực hiện việc thăm dò, khảo sát ý kiến của cán bộ, công chức để có thể thu thập thông tin, phản ánh về sự hài lòng của công chức đối với hoạt động của Bộ, qua đó có những giải pháp cụ thể, kịp thời đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ không chỉ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Bộ mà còn đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, công chức. Thực hiện việc phát hiện, hỗ trợ các ý tưởng của công chức trong thực hiện công việc cũng như cải tiến, đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cán bộ, công chức.

- Đổi mới quy chế đưa cán bộ đi thực tế theo hướng ngoài việc đi thực tế tại các cơ quan tư pháp địa phương thì bố trí cán bộ trẻ đi thực tế, tập sự tại các công ty, văn phòng luật sư. Thời gian thực tế có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện cơ chế hỗ trợ thu nhập từ các công ty, văn phòng luật sư này trên cơ sở kết quả làm việc của các cán bộ trong thời gian tập sự, thực tập tại các công ty, văn phòng luật sư.

- Nghiên cứu, tổ chức các giải thưởng (bên cạnh các hình thức thi đua, khen thưởng) trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn dành cho các tập thể, cá nhân của Bộ Tư pháp gắn với mức tiền thưởng thỏa đáng để động viên, ghi nhận các thành tích, cống hiến của cán bộ, công chức cho Bộ, ngành Tư pháp.

- Xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở cho công chức đối với cán bộ của Bộ Tư pháp. Phối hợp với thành phố Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện cho công chức được mua nhà thu nhập thấp hoặc thuê nhà giá rẻ của Thành phố; xây dựng Đề án về nhà ở cho công chức theo hướng Bộ phối hợp với doanh nghiệp xin đất, xây dựng nhà ở trên cơ sở đóng góp của công chức để có thể bán nhà ở với mức giá thấp cho công chức.

Đề án sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, kết quả thực hiện Đề án là cơ sở để đề xuất các nội dung thực hiện trong toàn Ngành.

Phòng Tổ chức bộ máy – Vụ Tổ chức cán bộ