Chiều ngày 24/12/2009, đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên TW Đảng - Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hùng Tráng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội về công tác cải cách tư pháp trong thời gian qua. Qua hơn 04 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-BCT của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung Nghị quyết. Đội ngũ cán bộ Tư pháp và các tổ chức Bổ trợ tư pháp đã từng bước được kiện toàn, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Ngành Tư pháp tỉnh cũng đã tham mưu triển khai thực hiện rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Từ năm 1996 - 2006, trong tổng số 52 nghìn văn bản đã rà soát, xác định 1007 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành đã được biên tập và in thành hệ thống.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm đúng mức góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Công tác Trợ giúp pháp lý từng bước được triển khai sâu rộng đến các đối tượng, ngoài Trung tâm trợ giúp pháp lý cấp tỉnh đã thành lập 03 chi nhánh ở cấp huyện và 115 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Thực hiện tốt quản lý Nhà nước đối với các văn phòng luật sư.... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tư pháp tỉnh còn gặp một số khó khăn đó là về số lượng biên chế và chất lượng công chức trong cơ quan chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là các Phòng Tư pháp. Vẫn còn tình trạng địa phương bố trí số lượng cán bộ cho Phòng Tư pháp chưa đủ tối thiểu 03 biên chế. Hiện vẫn còn 35 cán bộ Tư pháp cấp xã chưa được đào tạo cập chuẩn về chuyên môn. Ngành Tư pháp tỉnh đề nghị Quốc hội ban hành Luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định Tư pháp để hoạt động này được quan tâm tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; xem xét sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, trong đó quan tâm đến một số điều có liên quan đến hoạt động thi hành án và hoạt động luật sư.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan tư pháp tỉnh trong thời gian qua. Hoạt động tư pháp trên các mặt công tác đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Tổ chức bộ máy trên thực tế qua 04 năm được tăng cường tương đối. Công tác thi hành án dân sự đã được kiện toàn sau khi có Nghị định của Chính phủ về tổ chức bộ máy, song áp lực của công tác này rất lớn, án tồn đọng nhiều do tranh chấp dân sự tăng. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Trong thời gian tới ngành Tư pháp Thái Nguyên cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác Tư pháp trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao vai trò, vị thế của công tác Tư pháp trong thời kỳ mới.
Cũng trong chiều ngày 24/12/2009, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc tại Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Nhân dịp lên thăm và làm việc tại tỉnh, đồng chí Uông Chu Lưu đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Dần, tại tổ 3 phường Đồng Quang và ông Phạm Đức Tiến, Thương binh đặc biệt 1/4, tổ 19 phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên.
Nguyễn Huy Hoàng - Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên