Ngày 11/01/2010, Bộ Tư pháp khai mạc Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2010 khu vực phía Bắc để đánh giá toàn diện, khách quan những nhiệm vụ đã đạt được, những cách làm mới, những khó khăn, vướng mắc, từ đó tìm ra những nguyên nhân, giải pháp để nâng cao công tác Tư pháp trong năm tới, xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong của ngành trong năm 2010. Về dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc (31 tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra). Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/01/2010.
Đến dự Hội nghị có đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Kiều Đình Thụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Từ Văn Nhũ - Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đồng chí Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Dương Ngọc Ngưu - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện các văn phòng, uỷ ban của Đảng, Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Kết quả công tác Tư pháp năm 2009
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá, nhìn nhận những kết quả công tác đã đạt được trên các mặt công tác trong năm 2009. Năm 2009, toàn ngành Tư pháp triển khai nhiệm vụ trong điều kiện chung của đất nước còn nhiều khó khăn, thiên tai gây ra hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, công tác Tư pháp năm 2009 đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và đã thu được nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác.
Nhìn chung, các lĩnh vực công tác được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2009 như: triển khai thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật; tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự; nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bổ trợ tư pháp.
Trong năm 2009, ngành Tư pháp đã tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, đề án phục vụ công tác quản lý và phát triển các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp như lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, thi hành án dân sự, luật sự, theo dõi thi hành pháp luật..., tạo đà phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Bộ, ngành trong những năm tiếp theo. Chất lượng và tiến độ xây dựng VBQPPL được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, công tác xây dựng các VBQPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương là một trong ba Bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bộ đã hoàn thành và trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 37 văn bản, đề án, đạt 92,5% tổng số văn bản, đề án phải trình trong năm 2009; riêng việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100%; ban hành, phối hợp ban hành 57 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền hoặc liên tịch ban hành, đạt 41%.
Hoạt động kiểm tra VBQPPL tiếp tục được củng cố tăng cường hơn so với năm 2008, hướng vào việc kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực; đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời nhiều VBQPPL có sai sót về nội dung và hình thức; được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao, dư luận và xã hội đồng tình ủng hộ. Công tác rà soát hệ thống hoá VBQPPL tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện theo chuyên đề và thí điểm ở một số cơ quan, địa phương, tiến hành nhân rộng trong toàn quốc.
Năm 2009, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật trong năm 2010.
Năm 2009 là năm đầu tiên kết quả thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội, góp phần quan trọng đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Thể chế về cơ bản được hoàn thiện; hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự thực sự được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện với một vị thế mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao; cơ bản kiện toàn về tổ chức bộ máy và lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục Thi hành án dân sự và đa số các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự địa phương; kết quả công tác về việc và về tiền vượt chỉ tiêu Chính phủ báo cáo Quốc hội; cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc được nâng cao hơn trước.
Công tác hành chính tư pháp ngày càng đi vào nền nếp, cải cách thủ tục hành chính không ngừng được tăng cường, hầu hết các địa phương đã thực hiện cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực công tác này, thực hiện tốt việc niêm yết công khai quy trình, thủ tục giải quyết từng loại việc, mức thu lệ phí, lịch làm việc, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế.
Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm có sự cải tiến, tạo điều kiện cho khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo đảm được tính kịp thời của việc công khai hoá giao dịch và tra cứu thông tin, góp phần tạo an toàn pháp lý cho các giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Thể chế về đăng ký giao dịch bảo đảm được khẩn trương hoàn thiện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động chứng thực hộ tịch tại một số địa phương đã thu được kết quả tích cực; Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thí điểm phần mềm quán lý hộ tịch, quốc tịch, dự kiến sẽ triển khai trên toàn quốc trong thời gian tới.
Công tác bổ trợ tư pháp có những khởi sắc mới, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, góp phần ổn định và tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng phát triển các ngành và vùng kinh tế, tạo an toàn pháp lý cho thị trường bất động sản cũng như bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, báo chí, xuất bản tiếp tục được củng cố, tăng cường, đổi mới phương thức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thông tin pháp luật và thông tin chung của Đảng, Nhà nước được triển khai kịp thời, chính xác đến với nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho người dân, duy trì trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tổ chức trợ giúp pháp lý ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng được hoàn thiện, phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng mở rộng, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng của các đối tượng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.
Công tác báo chí xuất bản đổi mới về nội dung và hình thức cung cấp thông tin, chuyển tải kịp thời thông tin về hoạt động của ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng, tính thời sự và hàm lượng khoa học của các tin, bài, ấn phẩm phát hành.
Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được xác định là: “Năm tổ chức cán bộ” - một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 của Ngành. Toàn ngành đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, quy hoạch, hướng dẫn, đào tạo, sắp xếp bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, trong đó đã quan tâm đến cán bộ trẻ, nữ. Qua một năm thực hiện công tác cán bộ của Bộ, Ngành, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài Ngành.
Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học: Hoàn thiện các đề án xây dựng các cơ sở đào tạo (Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp) trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ đang xây dựng đề án tổng thể xây dựng các cơ sở đào tạo pháp lý. Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch đào tạo năm 2010 và 5 năm (2011 - 2015) của Bộ Tư pháp, tập trung vào công tác đào tạo cử nhân Luật và trung cấp Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Trung cấp Luật Buôn Mê Thuột. Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; gắn kết công tác nghiên cứu khoa học với xây dựng VBQPPL và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Ngành.
Hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn I Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính giai đoạn 2007-2010, Bộ Tư pháp là một trong ba Bộ đầu tiên hoàn thành việc thống kê và công bố Bộ Thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý với cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện và tham gia ý kiến.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành, ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTP về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp giai đoạn 2009-2010; triển khai thực hiện thành công các dự án theo mô hình điểm về ứng dụng công nghệ thông tin được phân công tại Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đến 26 đơn vị thuộc Bộ. Tổ chức thành công 2 Hội nghị giao ban trực tuyến đa phương tiện. Hoàn thiện việc cấp hộp thư điện tử cho các cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức thi hành án dân sự địa phương, triển khai việc cấp hộp thư điện tử cho Sở Tư pháp.
Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2010
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2009 cũng như nhìn nhận những điểm hạn chế, yếu kém trong công tác, tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của công tác Tư pháp năm 2010.
Năm 2010, ngành Tư pháp cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL (phấn đấu hoàn thành trên 95% các văn bản, đề án), theo dõi thi hành pháp luật; tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong 80% về việc và 60% về tiền trên số có điều kiện thi hành (tăng 5% so với chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2009), giảm từ 5% đến 10% số vụ việc thi hành án tồn đọng; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Quốc tịch Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện và tập trung triển khai thực hiện các VBQPPL liên quan đến thể chế của Ngành như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công chứng, phát triển đội ngũ luật sư, tạo bước đột phá về thể chế về bán đấu giá tài sản; tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ của các cơ quan Tư pháp địa phương; đột phá vào khâu nguồn nhân lực quản lý có trình độ trung cấp luật, tạo bước chuyển biến mới trong công tác đào tạo tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ và công tác chỉ đạo điều hành của Bộ; nâng cao chất lượng rà soát các thủ tục hành chính và công tác thống kê trong lĩnh vực Tư pháp.
Năm 2010 được xác định là năm bản lề để ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; năm triển khai sâu rộng các VBQPPL mới được ban hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành. Đây cũng là năm mà toàn ngành Tư pháp quyết tâm nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lập thành tích xuất sắc trên tất cả các mặt công tác.
Cục Công nghệ thông tin
Tính đến 30/9/2009, các cơ quan Tư pháp địa phương đã chủ trì soạn thảo, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 7.461 VBQPPL, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 15.650 VBQPPL. Tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã và đang trở thành “người gác cổng” đáng tin cậy cho lãnh đạo Bộ, ngành trong công tác xây dựng VBQPPL. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công tác thẩm định VBQPPL đã được coi trọng, các Sở Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc tham mưu, giúp HĐND, UBND các cấp ban hành VBQPPL. Tính đến hết ngày 30/9/2009, Bộ đã tiến hành thẩm định xong 441 văn bản, đề án, 107 điều ước quốc tế; tham gia góp ý 910 văn bản các loại do các Bộ, ngành gửi đến; cấp 28 ý kiến pháp lý cho các khoản vay nước ngoài. Các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, huyện đã thẩm định và Tư pháp cấp xã đã góp ý 46.775 văn bản, đề án. Các cơ quan Tư pháp địa phương đã kiểm tra được 295.179 văn bản, trong đó phát hiện 12.017 văn bản có sai sót; đã kiến nghị xử lý 10.340 văn bản, chiếm 86% trên tổng số văn bản phát hiện có sai sót. Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 4.005 văn bản theo thẩm quyền. Tính đến ngày 30/9/2009, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong 354.490 việc/437.375 việc có điều kiện thi hành, đạt 81,05%, thu được 5.411,37 tỷ đồng, đạt 57,64% số tiền có điều kiện thi hành, tăng 1.842, 47 tỷ đồng so với năm 2008. Trong đó, một số đơn vị đạt tỷ lệ cao như: về việc, Hoà Bình (88,8%), Đăk Nông (88,1%), Tuyên Quang (86,5%), Lai Châu (85,5%), Vĩnh Phúc (84,7%), Hà Giang (84,6%), về tiền, Lào Cai (92,6%), Phú Yên (87,3%), Hà Giang (83,7%), Hoà Bình (81,6%), Tuyên Quang (80,2%). |
| |
| |
| |
| |
| |