Hội nghị liên tịch giữa Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội: Hà Nội đề nghị sớm xây dựng Luật Thủ đô

14/05/2009
Hội nghị liên tịch giữa Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội: Hà Nội đề nghị sớm xây dựng Luật Thủ đô
“Hiệu lực của Pháp lệnh Thủ đô còn chưa cao. Pháp lệnh bị ràng buộc về thứ bậc hiệu lực pháp lý của các luật có liên quan nên chưa tạo ra được căn cứ pháp lý cụ thể, có tính khả thi cao trong quá trình thực hiện”. Từ lý do này, tại Hội nghị liên tịch giữa Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội hôm qua (13/5), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô.

Không thực hiện được cơ chế đặc thù do vướng nhiều luật

Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND Thành phố, tuy Hà Nội có Pháp lệnh Thủ đô 8 năm nay nhưng khi đi vào thực hiện thì “vướng” đủ thứ. Cái vướng nhất khiến cho Pháp lệnh chưa đi vào cuộc sống là Hà Nội muốn có cơ chế đặc thù nhưng không thực hiện được vì vướng quá nhiều luật, từ Luật Ngân sách đến Luật Đê điều, trong khi về thứ bậc, Pháp lệnh là văn bản dưới Luật.

Đồng tình với đề nghị này của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc nâng Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật Thủ đô là rất cần thiết để có thể tạo cơ sở pháp lý sát với thực tiễn hơn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề lớn của Thành phố. Bộ trưởng Hà Hùng Cường thông tin, sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình gửi Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, đưa dự án Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2010, Chính phủ đã nhất trí cao với đề nghị này. Tại Phiên họp mới đây, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến và nhất trí đưa dự án Luật Thủ đô vào Chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, nếu trong quá trình soạn thảo, dự án Luật Thủ đô đáp ứng yêu cầu, sẽ đưa vào Chương trình chính thức để Quốc hội thông qua trước thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp và Uỷ ban thành phố Hà Nội cũng bàn bạc và thống nhất phương thức triển khai xây dựng dự án Luật này.

Công tác tư pháp, thi hành án có nhiều chuyển biến tích cực

Sau khi Hà Nội mở rộng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp. Hiện tại, Sở Tư pháp Hà Nội có 10 phòng chuyên môn và 12 đơn vị trực thuộc với tổng số 267 cán bộ, công chức. Các phòng tư pháp quận, huyện hiện có 149 cán bộ, công chức, trong đó có 130 cán bộ, công chức có trình độ đại học. Toàn thành phố có 694 cán bộ tư pháp, hộ tịch/577 xã, phường, thị trấn với hầu hết có trình độ trung cấp luật trở lên. Các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố đã được củng cố, kiện toàn về tổ chức.

Vấn đề được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đặc biệt quan tâm là câu chuyện thể chế của Hà Nội “hậu sáp nhập”. Theo báo cáo của ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, ngay sau khi Hà Nội mở rộng, Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp cùng các Sở, ngành chức năng khẩn trương rà soát, hợp nhất, xây dựng, trình UBND thành phố xem xét, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật  liên quan đến các cơ chế chính sách mà Hà Nội cũ, Hà Tây cũ, cũng như các văn bản liên quan do UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành trước đây đang có hiệu lực thi hành tại từng khu vực tương ứng để thống nhất áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội mới. Đến nay, Thành phố đã xem xét ban hành được 183 trên tổng số 279 văn bản đã qua Sở Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thảo cũng thẳng thắn nhận định: “Câu chuyện thể chế “hậu sáp nhập” không đơn giản”. Ông Thảo đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, giúp Thành phố Hà Nội giải quyết tốt câu chuyện này.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, Hà Nội đã rất tích cực trong nỗ lực nhất thể hoá thể chế sau sáp nhập. Qua theo dõi công tác Tư pháp, Thi hành án của Hà Nội thời gian qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong các mặt công tác tư pháp của Hà Nội. Đặc biệt: “Công tác tư pháp của Hà Nội đã bám sát vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, điều này thể hiện rất rõ nét” – Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, so với thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Tư pháp, Thi hành án của Hà Nội còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng tầm là Thủ đô của cả nước.

Cùng tham dự Hội nghị liên tịch ngày 13/5, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Thuý Hiền và đại diện các đơn vị của Bộ Tư pháp đều đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự Hà Nội và mong muốn lãnh đạo Thành phố quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho công tác này. Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị Sở Tư pháp thành phố có đánh giá sâu sát hơn tới các tổ chức hành nghề tư nhân trong lĩnh vực tư pháp đang phát triển mạnh ở Thủ đô như Văn phòng công chứng, Văn phòng luật sư, tổ chức tư nhân hành nghề đấu giá… để có sự đánh giá khái quát, có cách thức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hồng Thuý