Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với tỉnh Thanh Hóa: Công tác cán bộ của Tư pháp và Thi hành án dân sự phải được đặt lên hàng đầu

08/05/2009
Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với tỉnh Thanh Hóa: Công tác cán bộ của Tư pháp và Thi hành án dân sự phải được đặt lên hàng đầu
Ngày 07/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Với những kết quả đạt được và những tồn tại của Tư pháp Thanh Hóa, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp và thi hành án dân sự của Thanh Hóa phải được đặt lên hàng đầu…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác tư pháp và thi hành án dân sự các tháng đầu năm 2009, Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ của ngành. Trong đó, công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong 4 tháng đầu năm 2009, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 24 Quyết định, 4 Đề án, 3 Điều lệ của Chủ tịch và UBND tỉnh, tập trung vào các vấn đề về xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư, xây dựng cơ bản, sử dụng đất đai, cải cách hành chính… Công tác kiểm tra văn bản quy phạm của UBND các cấp đã thực hiện theo nề nếp, phát hiện nhiều văn bản có sai phạm về nội dung, hình thức và các văn bản đã hết hiệu lực thi hành.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cũng được đẩy mạnh. Tư pháp Thanh Hóa đã tập trung xây dựng, triển khai nhiều đề án phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với thực tiễn và đặc thù của địa phương, như: “Đề án nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào miền núi”, “Đề án nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân các xã, phường ven biển”… tổ chức nhiều đợt công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân.

Các công tác tư pháp khác như công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, quản lý luật sư, triển khai xã hội hóa công chứng theo Luật Công chứng cũng được đặc biệt quan tâm. Sở Tư pháp đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, kịp thời phát hiện các yếu kém, hạn chế trong hoạt động để chấn chỉnh và hỗ trợ phát triển. Hiện nay, hoạt động luật sư của Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư và công tác tổ chức hành nghề của các tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác công chứng, Thanh Hóa là một trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt việc triển khai xã hội hóa hoạt động công chứng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động, trong đó có 3 Phòng công chứng và 3 Văn phòng công chứng.

Tuy nhiên, hoạt động của Tư pháp Thanh Hóa đang còn tồn tại nhiều hạn chế và còn nhiều việc cần phải làm để xứng đáng với vị thế là tỉnh có tiềm năng kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực lớn của cả nước, đặc biệt là công tác thi hành án dân sự. Trong 4 tháng đầu năm 2009, công tác thi hành án dân sự của Thanh Hóa chỉ đạt 62% số việc có điều kiện thi hành và 42% số tiền phải thi hành, rất thấp so với mục tiêu chung mà ngành Tư pháp đề ra.

Đánh giá về hạn chế trong công tác thi hành án dân sự của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Về số lượng cán bộ, Thi hành án dân sự của Thanh Hóa là đơn vị lớn thứ 3 toàn quốc song kết quả thi hành án chỉ đạt được ở mức trung bình so với kết quả chung của toàn ngành trong cả nước. Nếu so sánh Thái Nguyên thì công tác thi hành án dân sự của Thanh Hóa còn yếu. Với số lượng cán bộ chưa bằng ½ số lượng cán bộ của Thanh Hóa, trong khi đó số lượng án phải thi hành gấp 1,5 lần nhưng kết quả thi hành án của tỉnh Thái Nguyên đạt trên 70% số việc phải thi hành. Ông Luyện cũng cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do sự yếu kém của lực lượng cán bộ lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng cần phải quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn nữa đối với công tác này.

  Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: Có 5 điểm đáng mừng trong hoạt động của Tư pháp Thanh Hóa, như: tiếp tục coi trọng công tác văn bản, từ xây dựng chương trình, triển khai soạn thảo cũng như công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; tham mưu UBND tỉnh xây dựng các đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết được các vấn đề cấp bách trong công tác tư pháp của tỉnh; quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm trợ giúp pháp lý trong tỉnh; hoạt động công chứng đã được xã hội hóa một bước với chỉ 3/6 đầu mối công chứng là của nhà nước… Đánh giá chung thì công tác của Tư pháp Thanh Hóa còn hạn chế, đặc biệt là công tác thi hành án dân sự, các công tác cần đi vào chiều sâu và nâng cao hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên nhân của các hạn chế trong công tác cũng như vấn đề mấu chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tư pháp Thanh Hóa là vấn đề cán bộ. Tỉnh cần quan tâm kiện toàn tổ chức và công tác cán bộ của cơ quan tư pháp. Hiện nay, 18% cán bộ tư pháp xã ở Thanh Hóa chưa qua đào tạo luật. Như vậy, hiệu quả của công tác tham mưu xây dựng văn bản và thực thi pháp luật sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đối với Sở Tư pháp hiện cũng thiếu cán bộ chuyên môn và lãnh đạo. Vì vậy, Sở Tư pháp cần rà soát để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh bổ sung cán bộ, đặc biệt trong giai đoạn tới ngành tư pháp được giao thêm nhiệm vụ quản lý tàng thư lý lịch tư pháp và công tác bồi thường nhà nước.

Nhất trí với ý kiến của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự về nguyên nhân yếu kém của công tác thi hành án dân sự của Thanh Hóa, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có quy hoạch cán bộ để kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Thi hành án dân sự tỉnh. Đồng thời cần nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án, hiện nay đang hoạt động thưa thớt, hiệu quả không cao.          

Đồng tình với các đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường về công tác tư pháp và thi hành án dân  sự của tỉnh, ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những ý kiến đánh giá của Bộ trưởng là hoàn toàn chính xác. Các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự của tỉnh cần phải nhận thức đầy đủ và có kế hoạch triển khai công tác theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Theo ông Mai Văn Ninh, Tư pháp Thanh Hóa cần phải chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp, thi hành án dân sự hiệu quả hơn.

Về công tác cán bộ và kiện toàn bộ máy cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự, UBND tỉnh sẽ báo cáo Tỉnh ủy để kịp thời có những giải pháp tốt nhất, xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự có năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là sau ngày 01/7/2009, khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực.

Xuân Bính