Bộ trưởng làm việc với cán bộ, công chức Tư pháp tỉnh Cao Bằng: Hoàn thành nhiệm vụ để phát triển kinh tế…

23/04/2009
Bộ trưởng làm việc với cán bộ, công chức Tư pháp tỉnh Cao Bằng: Hoàn thành nhiệm vụ để phát triển kinh tế…
Ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp thăm và làm việc với cán bộ, công chức Tư pháp tỉnh Cao Bằng. Bộ trưởng đã nghe Sở Tư pháp Cao Bằng báo cáo công tác tư pháp, thi hành án dân sự của địa phương và kịp thời động viên, chỉ đạo để Tư pháp Cao Bằng tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp Cao Bằng, với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng và địa hình phức tạp, khó khăn lớn nhất đối với Tư pháp tỉnh Cao Bằng là việc thu hút nhân lực làm công tác tư pháp. Hiện nay, các cơ quan tư pháp địa phương ở Cao Bằng đang thiếu cán bộ, công chức phụ trách. Các cơ quan thi hành án dân sự thiếu 20 biên chế; 6 xã chưa có cán bộ tư pháp. Theo chức năng, nhiệm vụ của cán bộ tư pháp xã, đội ngũ cán bộ tư pháp phụ trách công tác chứng thực, công tác hộ tịch và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã. Do khối lượng công việc quá lớn số xã, phường đã có cán bộ tư pháp thì chỉ với một công chức tư pháp như hiện nay cũng không đủ để giải quyết các công việc. Do luôn phải làm việc quá tải, nên chất lượng công tác đã không đảm bảo như các mục tiêu mà ngành đề ra.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, cơ sở vật chất đặc biệt thiếu thốn, nhiều xã chưa có thiết bị văn phòng phục vụ công tác chứng thực, thậm chí một số xã chưa có điện lưới. Vì những khó khăn này mà đội ngũ cán bộ tư pháp chưa hoàn thành nhiệm vụ, khiến chính đội ngũ cán bộ tư pháp nản lòng, dẫn đến hiện tượng cán bộ tư pháp xin chuyển sang công tác khác.

Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của tư pháp cấp huyện và cấp xã còn hạn chế. Năm 2008, có 12 trong tổng số 13 HĐND, UBND huyện, thị xã không giao văn bản cho cơ quan Tư pháp thực hiện việc thẩm định, góp ý theo quy định của pháp luật. Lý do là các lãnh đạo địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác văn bản, công tác tham mưu của cơ quan Tư pháp.

Các hoạt động bổ trợ tư pháp như: công chứng, luật sư, giám định, bán đấu giá tài sản... quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất, kỹ thuật rất khó khăn. Đặc biệt, số lượng luật sư rất ít, chủ yếu tham gia các vụ án chỉ định của toà án; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí cho hoạt động thiếu thốn, vì thế hiệu quả hoạt động không đạt như mong muốn.

Phát biểu trong buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường quan tâm tới khó khăn về nguồn nhân lực của Tư pháp Cao Bằng và ghi nhận các khó khăn chung của toàn ngành. Bộ trưởng đánh giá, mặc dù công tác tư pháp của Cao Bằng còn nhiều khó khăn nhưng Cao Bằng đã thực hiện bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành.

Với những khó khăn, hạn chế như hiện nay, Bộ trưởng yêu cầu Tư pháp Cao Bằng cần nỗ lực, tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Muốn phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, không phiền hà, nhũng nhiễu công dân và doanh nghiệp thì việc xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Tư pháp phải hoàn thành.

Đối với công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý còn nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ còn thiếu. Vì vậy, Tư pháp Cao Bằng cần nỗ lực hơn nữa để công tác này đi vào chiều sâu. Cũng giống như tỉnh Bắc Kạn, những khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện tự nhiên là nguyên nhân lớn khiến kết quả công tác tư pháp còn hạn chế, Bộ Tư pháp sẽ tìm cách giúp địa phương tháo gỡ trong thời gian tới.

Xuân Bính