Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc với Tư pháp Thái Nguyên: Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tương xứng với tiềm năng…

21/04/2009
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc với Tư pháp Thái Nguyên: Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tương xứng với tiềm năng…
Ngày 20/4, Đồng chí  Hà Hùng Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã về thăm và làm việc với cán bộ, công chức tư pháp Thái Nguyên. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã nghe báo cáo của các cơ quan tư pháp Thái Nguyên và có những chỉ đạo kịp thời để Tư pháp Thái Nguyên khắc phục khó khăn, tiếp tục đạt được những thành công trong công tác tư pháp.

Theo Báo cáo của Sở Tư pháp Thái Nguyên về một số hoạt động của Sở Tư pháp năm 2008 và đầu năm 2009 thì công tác của các cơ quan tư pháp Thái Nguyên cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Đối với công tác xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng quy trình, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Trong khoảng thời gian 10 năm (1996-2006), Sở Tư pháp đã tham mưu HĐND, UBND xây dựng trên 52 nghìn văn bản quy phạm pháp luật.

          Đối với công tác hành chính tư pháp, một trong những hoạt động quan trọng nhất, Tư pháp Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là trong công tác quản lý hộ tịch, đăng ký khai sinh, đến nay Thái Nguyên đã chấm dứt tình trạng trẻ em không có đăng ký khai sinh hoặc khai sinh quá hạn.

          Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp, Sở Tư pháp Thái Nguyên đã xây dựng quy trình thực hiện việc đăng ký hộ tịch, cấp giấy lý lịch tư pháp, công chứng, chứng thực theo cơ chế một cửa và liên thông để thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đã rút ngắn thời gian chờ đợi của công dân và giảm sự phiền toái trong thủ tục hành chính đối với công dân.

          Một trong những công tác khó khăn nhất của ngành Tư pháp nói chung và Tư pháp Thái Nguyên nói riêng là công tác thi hành án dân sự, Tư pháp Thái Nguyễn cũng đạt được những hiệu quả đáng kể. Các cơ quan thi hành án dân sự Thái Nguyên đã thi hành đạt và vượt chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp đề ra, được Bộ Tư pháp ghi nhận và tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2008. Năm 2008, số vụ việc thụ lý là 12.010 với số tiền phải thu là 90 tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc có điều kiện thi hành là 5.268 vụ, với số tiền phải thi hành là gần 30 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án đã giải quyết xong 5.215 (78%) với số tiền thu được gần 28 tỷ đồng (hơn 65%).

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác thi hành án dân sự của Thái Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Số lượng án tồn đọng của năm trước chuyển sang năm sau vẫn nhiều. Đơn cử, năm 2007 còn tồn đọng hơn 6.000 vụ án chuyển sang năm 2008 trong khi đó, số lượng án thụ lý mới của năm 2008 chỉ có hơn 3.000 vụ việc.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, thì số lượng án không có điều kiện thi hành nhiều và số án tồn từ năm trước chuyển sang năm sau lớn là do những nguyên nhân khách quan và những nguyên nhân phát sinh từ sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều bản án của Tòa án tuyên không thể thi hành, như bản án tuyên tịch thu căn phòng trong toà nhà (nơi xảy ra vụ việc mại dâm) là điều khó có thể thực hiện được vì căn phòng là phần không tách khỏi toà nhà. Nhiều bản án tuyên phạt tiền đối với các bị cáo phạm tội ma tuý nhưng những người phải thi hành án thì không thể thi hành vì đang phải chấp hành hình phạt tù và đa phần họ là các con nghiện không có tiền thi hành án dẫn đến tình trạng án không có điều kiện thi hành còn tồn tại nhiều.

Phát biểu trong buổi làm việc với cán bộ, công chức Tư pháp Thái Nguyên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: công tác tư pháp của Thái Nguyên cơ bản bám sát nhiệm vụ của Bộ, ngành, công tác của cán bộ, công chức ngành Tư pháp có nhiều khởi sắc. Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác văn bản quy phạm được thực hiện khá nề nếp và có tiến bộ, được Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao. Đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mặc dù còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, ngân sách ít nhưng công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đi vào chiều sâu; công tác trợ giúp pháp lý cũng hỗ trợ nhiều cho tuyên truyền pháp luật. Công tác công chứng có khó khăn do những nguyên nhân khách quan nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt.

           Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Tư pháp Thái Nguyên và các cơ quan chức năng của ngành Tư pháp cần phải nỗ lực khắc phục các hạn chế hiện tại. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng việc triển khai công tác chưa quyết liệt, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Với vị trí kinh tế và chính trị quan trọng, Thái Nguyên còn là trung tâm thứ 3 của cả nước về đào tạo nguồn nhân lực, thì những kết quả đạt được như hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, cần nhìn nhận, đánh giá lại các kết quả trên để có những nỗ lực hơn nữa trong năm 2009.

          Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, hiện nay, với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với công tác xây dựng và áp dụng pháp luật, ngành Tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng. Ở địa phương nào mà ngành Tư pháp làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì ở địa phương đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội có chuyển biến tích cực và các chế độ đãi ngộ đối với ngành Tư pháp đều được đảm bảo. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thì nhiệm vụ của ngành Tư pháp không chỉ dừng lại ở việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà công tác tham mưu việc triển khai thực thi pháp luật mới là nhiệm vụ quan trọng nhất và là sứ mệnh, vai trò của ngành Tư pháp.

          Đối với công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng đánh giá cao các cố gắng của cán bộ, công chức và công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, với số lượng tồn đọng của các vụ án có điều kiện thi hành thì các cơ quan thi hành án dân sự của Thái Nguyên thực sự cần nỗ lực hơn nữa.

          Cùng ngày, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về công tác tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nêu 6 vấn đề trọng tâm mà Tư pháp Thái Nguyên cần nỗ lực thực hiện. Trong đó, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp cần phát triển có chiều sâu. Tư pháp Thái Nguyên cần tăng cường quản lý công tác chứng thực của 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; hoàn thành quy hoạch phát triển đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng và đẩy mạnh quản lý, tổ chức công tác bán đấu giá, hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc rà soát, phân loại án; cần quan tâm ngay ở giai đoạn xét xử để không còn tồn tại nhiều các bản án không có điều kiện thi hành.

Xuân Bính