Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: Cơ sở của Học viện Tư pháp tại TP Hồ Chí Minh - Cần khắc phục những bất cập về cơ chế, tổ chức

17/04/2009
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: Cơ sở của Học viện Tư pháp tại TP Hồ Chí Minh - Cần khắc phục những bất cập về cơ chế, tổ chức
Hôm qua (16/4/2009), trong chuyến công tác tại TP.HCM, Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền dẫn đầu đã có buổi làm việc với Cơ sở TP.HCM - Học viện Tư pháp (HVTP), nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, lãnh đạo Học viện.

Vượt sức...

Ông Nguyễn Trường Thiệp, Trưởng Cơ sở TP.HCM cho biết: Cơ sở là đơn vị cấp phòng, thuộc HVTP, có nhiệm vụ thực hiện đào tạo các chức danh tư pháp tại các tỉnh phía Nam theo kế hoạch của Học viện. Theo đó, Cơ sở phải thực hiện hàng loạt chức năng, nhiệm vụ như: phối hợp với Phòng Đào tạo tuyển sinh các khóa học; phối hợp với các khoa chuyên môn xây dựng và triển khai lịch giảng dạy; trực tiếp quản lý tất cả các khóa học... Cụ thể, Cơ sở đào tạo đủ cả 5 chức danh tư pháp. Chỉ riêng chức danh luật sư, mỗi năm Cơ sở đào tạo gần 900 học viên (đến nay đã đào tạo được trên 6.500 học viên) đã đào tạo 360 học viên kiểm sát viên; đã và đang đào tạo 760 học viên thẩm phán, hơn 500 học viên chấp hành viên và 210 học viên công chứng viên. Thậm chí có những lúc, số học viên ở Cơ sở còn cao hơn ở Hà Nội.

Theo ông Thiệp, ở Cơ sở, các giảng viên tham gia giảng dạy cho tất cả các chức danh được đào tạo. Việc thì như thế, nhưng Cơ sở chỉ có 24 người (cả cán bộ và nhân viên). Vì vậy, đội ngũ giảng viên của Cơ sở chỉ đáp ứng được gần 50% số giờ giảng dạy của các lớp, phần còn lại do các giảng viên kiêm chức và giảng viên của Học viện từ Hà Nội đảm nhiệm. Đó là chưa nói, hàng năm cơ sở này phải tổ chức hàng trăm cuộc thi nghiêm túc theo đúng quy chế và tham gia chấm hàng chục ngàn bài thi, kiểm tra, tiểu luận, bài thu hoạch... Nếu như thế thì cơ sở này chẳng khác là một “trường thu nhỏ”.

Về cơ sở vật chất, ông Thiệp cho biết, từ năm 2002 đến nay, Cơ sở thuê địa điểm của trường Cán bộ TP.HCM làm văn phòng làm việc và tổ chức hầu hết các khóa học mở tại TP.HCM, theo đó hàng năm phải chi trả trên 600 triệu đồng tiền thuê mướn địa điểm. Song, điều đáng mừng là các trang thiết bị cho hoạt động của Cơ sở được Học viện trang bị khá đầy đủ. Ngoài ra, Cơ sở cũng kiến nghị với Đoàn công tác về sự cần thiết phải có thư viện và các phương tiện phục vụ cho công tác đi lại của giảng viên thỉnh giảng nếu như trụ sở chuyển về quận Thủ Đức.

Ông Chu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện nêu lên sự cần thiết phải thành lập Phân viện tại TP.HCM và có cơ chế tài chính phù hợp, có như vậy mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu thực tế tại thành phố đông dân nhất của cả nước. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền sẽ báo cáo Bộ trưởng và chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ phối hợp với Học viện Tư pháp nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở Học viện tại TP.HCM.

Tăng cường phân cấp cho cơ sở

Ông Vũ Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, dẫu biết Cơ sở tại TP.HCM quá thiếu cán bộ, trong khi khối lượng công việc lớn, nhưng hiện biên chế duyệt cho Học viện đã đủ. Vấn đề là điều chỉnh giữa nhân sự ở Hà Nội và TP.HCM sao cho hài hòa, bởi ở Hà Nội thậm chí có người thiếu việc làm, có người tuyển vào cả chục năm nhưng vẫn chưa giảng dạy được giờ nào. Ông Quý đồng tình với ông Thanh về việc nên xây dựng mới trụ sở của Cơ sở tại quận Thủ Đức, TP.HCM chứ không nên cải tạo rồi vài năm sau lại bị xuống cấp.

Bà Cao Thị Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng Phụ trách Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM bất ngờ trước “cơ chế” tài chính của cơ sở này. Theo bà Thảo, với chức năng, nhiệm vụ hiện tại thì áp “cấp phòng” vào Cơ sở là không xứng với vai trò, nhiệm vụ hiện tại. Việc kiến nghị nâng Cơ sở lên Phân viện là rất cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền hoan nghênh những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Cơ sở đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, quả là khó khăn nhiều hơn thuận lợi đang diễn ra tại Cơ sở, do vậy, chia sẻ với những khó khăn của Cơ sở khi phải hoạt động trong điều kiện như hiện nay, tất cả phòng ốc, văn phòng làm việc chật hẹp và phải thuê. Ngay địa vị pháp lý và cơ chế tài chính của Cơ sở cũng thể hiện sự bất cập, chưa rõ ràng, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ sở. Do vậy, Thứ trưởng cho biết, việc xác định đúng địa vị pháp lý của cơ sở tại TP.HCM cần được tiến hành trong thời gian sớm nhất, trên nguyên tắc tăng cường sự phân cấp cho Cơ sở, tạo cơ chế phù hợp để Cơ sở tự chủ hơn trong nhiệm vụ. Về vấn đề nâng cấp Cơ sở lên Phân viện, việc này Thứ trưởng sẽ báo cáo Bộ trưởng để có chủ trương thực hiện. Bộ sẽ yêu cầu Học viện điều chuyển biên chế để cân bằng nhân sự và công việc, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như hiện nay. Đối với cơ sở vật chất, Thứ trưởng đồng tình phải xây trụ sở theo hướng hiện đại, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về nhu cầu thư viện, Thứ trưởng động viên, trong khi chờ xây mới trụ sở, lãnh đạo Học viện và lãnh đạo cơ sở tại TP.HCM nghiên cứu để thuê thêm phòng làm thư viện, nhằm gúp giảng viên và học viên thuận lợi trong học tập, nghiên cứu.

Phong Trần