Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ban hành kèm theo Quyết định số 1952/QĐ-BTP ngày 22 tháng 10 năm 2008), Bộ sẽ ban hành Quy chế mới về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (thay thế Quy chế thẩm định hiện hành ban hành kèm theo Quyết định số 280/1999/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 27 tháng 9 năm 1999).
Trong thời gian chờ đợi ban hành Quy chế mới, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của Luật về phạm vi nội dung, quy trình thẩm định cũng như để đáp ứng nhu cầu thực tế về nâng cao chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ ngày 03 tháng 3 năm 2009, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tuân theo các yêu cầu sau đây khi thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ:
1. Tổ chức thẩm định theo phương thức thành lập Hội đồng thẩm định đối với tất cả các dự án luật, pháp lệnh. Thành viên tham gia Hội đồng thẩm định được lựa chọn từ Danh sách chuyên gia, nhà khoa học được gửi kèm Công văn này (Phụ lục 2). Danh sách này đang trong giai đoạn hoàn thiện, do vậy, trong trường hợp không lựa chọn được chuyên gia từ Danh sách, các đơn vị chủ trì thẩm định lựa chọn chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định theo các tiêu chí được nêu ra trong Phụ lục 1 gửi kèm Công văn này, đồng thời, thông báo cho Viện Khoa học pháp lý để bổ sung Danh sách.
2. Quy trình thẩm định theo phương thức Hội đồng thẩm định đối với các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo tuân theo các yêu cầu nêu tại Phụ lục 3 kèm theo Công văn này; đối với các văn bản do Bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo tuân theo các yêu cầu nêu tại Phụ lục 4 kèm theo Công văn này;
3. Tổ chức việc thẩm định các văn bản không theo phương thức Hội đồng thẩm định theo các yêu cầu nêu tại Phụ lục 5, Phụ lục 6 kèm theo Công văn này;
4. Các tài liệu cần phải sử dụng khi xây dựng Báo cáo thẩm định gồm:
- Đề cương xây dựng Báo cáo thẩm định (Phụ lục 7 kèm theo Công văn này);
- Mẫu Báo cáo thẩm định (Phụ lục 8 kèm theo Công văn này).
- Ngoài ra, các đơn vị có thể tham khảo Danh mục câu hỏi dành cho người thẩm định nêu tại Phụ lục 9 kèm theo Công văn này;
5. Các đơn vị có liên quan cần thực hiện nghiêm túc những yêu cầu nêu trong danh mục các công việc cần triển khai Đề án nâng cao chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo điều ước quốc tế (nêu tại Phụ lục 10 kèm theo Công văn này);
6. Trong quá trình áp dụng, Viện Khoa học pháp lý có trách nhiệm tiếp thu ý kiến và tiếp tục hoàn thiện các kiến nghị về quy trình thẩm định và các kiến nghị có liên quan đến nội dung Đề án Nâng cao chất lượng thẩm định của Bộ, thông tin kịp thời với Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính và các đơn vị khác có liên quan;
7. Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu các kết quả của Đề án Nâng cao chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp, đề xuất của các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai áp dụng Đề án để hoàn thiện nội dung Dự thảo Quy chế mới về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ;
8. Cục Công nghệ thông tin đăng tải nội dung Công văn và các Phụ lục kèm theo Công văn này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (Trang Thông tin điều hành - Mục Các Quy chế làm việc).
Trong thời gian áp dụng các yêu cầu theo nội dung Công văn này, nếu có vướng mắc, khó khăn hoặc đề xuất liên quan đến hoàn thiện hoạt động thẩm định của Bộ, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ và đồng thời trao đổi với Viện Khoa học pháp lý./.