Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tư pháp cả nước có 5 điểm yếu cần khắc phục

14/01/2008
Là một trong 34 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp năm 2007, năm qua, ngành Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong các mặt công tác. Phú Thọ cũng là một trong số ít địa phương có 100% cán bộ tư pháp cơ sở đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Điều này tiếp tục được ngành Tư pháp Phú Thọ khẳng định tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 vừa diễn ra ngày 12/1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trị giá đấu giá thành đạt cao nhất trong vòng 10 năm qua

Theo ông Ngô Công Quyền, Giám đốc Sở Tư pháp Phú Thọ, trong năm 2007, kết quả công tác ở hầu hết các lĩnh vực tư pháp đều có chuyển biến tích cực so với năm 2006. Ở cấp tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở  đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trình phê duyệt Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2007, tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương theo kế hoạch. Trong công tác soạn thảo văn bản QPPL, đã tiến hành soạn thảo 3 văn bản, bằng 100% số văn bản do UBND tỉnh giao. Ở cấp huyện, xã, các cơ quan tư pháp đã trực tiếp soạn thảo 203 văn bản QPPL, thẩm định 4.045 lượt văn bản QPPL do các cơ quan chuyên môn soạn thảo trước khi trình UBND cùng cấp ban hành, thẩm định 63 hương ước, quy ước thực hiện nếp sống văn hóa khu dân cư. So với năm 2006, số lượng văn bản qua Sở thẩm định tăng 150%, số văn bản qua Phòng Tư pháp thẩm định tăng 75%. Chất lượng thẩm định văn bản được đảm bảo, các văn bản sau khi ban hành đều bước đầu phát huy tác dụng tích cực trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 Cũng trong năm 2007, toàn ngành Tư pháp Phú Thọ đã tổ chức 18 đợt kiểm tra công tác quản lý và ban hành văn bản tại 5 Sở và 3 huyện, 16 xã, phường, thị trấn; tự kiểm tra 2.249 văn bản QPPL do HĐND, UBND các cấp ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền tại các huyện, thành, thị và các Sở, ngành, xã, phường, thị trấn 2.604 văn bản. Qua kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời 5 văn bản có vi phạm về nội dung và thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh công tác này, các mặt công tác khác cũng đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành án tính chung trên toàn tỉnh đạt chỉ tiêu Bộ Tư pháp đề ra về tiền, vượt 5% chỉ tiêu về việc. Thủ tục hành chính về hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp được giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Số đợt trợ giúp pháp lý lưu động tăng. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục đạt cao. Đặc biệt, công tác bán đấu giá đã có bước phát triển mới, trị giá bán đấu giá thành năm 2007 đạt cao nhất trong vòng 10 năm (1998 - 2007), kể từ khi thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá.

Mặc dù rất phấn khởi với những kết quả đã đạt được, nhưng các tham luận tại Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế trong công tác, cần phải khắc phục kịp thời. Đó là tình trạng chậm triển khai một số nhiệm vụ chính trị; hoạt động chỉ đạo, điều hành  chưa thật sát sao, quyết liệt; việc xây dựng cơ chế, các điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra văn bản QPPL còn chậm; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, mang tính hình thức; có tới 55% án không có điều kiện thi hành trong khi việc tổ chức cưỡng chế thi hành án còn rất vướng về căn cứ pháp lý v.v…

Từ những khó khăn này, nhiều kiến nghị đã được các đại biểu đề đạt đối với Bộ Tư pháp và đối với UBND tỉnh như đề nghị Bộ giúp đỡ giải quyết khó khăn cho cơ quan tư pháp địa phương, nhất là ở các lĩnh vực công chứng, chứng thực, hộ tịch, trợ giúp pháp lý. Tư pháp Phú Thọ đề nghị Bộ quan tâm bổ sung biên chế và đầu tư xây dựng hệ thống kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tình.

Đối với UBND tỉnh, Sở Tư pháp đề nghị tỉnh sớm phê duyệt Đề án củng cố, kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý và thành lập hệ thống Chi nhánh Trợ giúp pháp lý ở các huyện, thành, thị cũng như tạo điều kiện đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất cho việc đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; sớm ban hành Quy định về mức chi cho công tác xây dựng văn bản QPPL; bố trí quỹ đất xây dựng kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Lắng nghe những kiến nghị của ngành Tư pháp, Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng cho biết, tỉnh Phú Thọ xác định năm 2008 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2006 - 2010. Trong điều kiện đó, công tác tư pháp có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng đứng trước nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bí thư tỉnh ủy Ngô Đức Vượng đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2008 mà ngành Tư pháp Phú Thọ đã đề ra, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung mà toàn ngành cần lưu ý. Đó là việc toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, triển khai sâu rộng các văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, đề cao tính chủ động của Sở, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

"Tư pháp có quyết tâm thoát khỏi tình trạng kém phát triển?"

Đây là câu hỏi được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặt ra khi các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh đến yếu tố "năm bản lề 2008". "Năm 2008 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2006 - 2010, Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển về mặt kinh tế, vậy ngành Tư pháp Việt Nam có quyết tâm phấn đấu thoát khỏi tình trạng kém phát triển không? Hôm nay chúng ta đặt vấn đề này,  tôi cho là hơi chậm" - Bộ trưởng trăn trở.

Từ sự trăn trở này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh tới 5 điểm yếu mà ngành Tư pháp toàn quốc, trong đó có Tư pháp Phú Thọ, cần khắc phục. Trước hết là tình trạng các mặt hoạt động của ngành còn mang tính chất chuyên môn thuần túy, chưa bám sát vào những nhiệm vụ chính trị của địa phương, của đất nước. Điểm yếu thứ hai phải kể đến là thực tế toàn ngành chưa quan tâm đầy đủ đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định, ngay cả trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành Tư pháp. Ba là, chất lượng hoạt động của Ngành trong một số lĩnh vực, ngay cả lĩnh vực "gác cổng" như thẩm định văn bản QPPL trước khi ban hành, thi hành án… chưa cao. Bốn là, trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là tư pháp cấp xã, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Điểm yếu thứ 5 là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ngành còn hạn chế.

Bộ trưởng khẳng định, nếu ngành Tư pháp toàn quốc nhận thức rõ điều này và nghiêm túc khắc phục thì chắc chắn công tác tư pháp trong thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực. Do đó, cùng với việc nhất trí các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2008 mà tư pháp Phú Thọ đề ra, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, Bộ trưởng yêu cầu ngành Tư pháp Phú Thọ phải tăng cường bám sát các yêu cầu của cuộc sống với tinh thần tư pháp phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Hồng Thuý